Thành Phong ·
1 năm trước
 7023

Cân nhắc việc xử phạt doanh nghiệp khoáng sản khi khai thác vượt công suất

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, VCCI đề nghị cân nhắc việc xử phạt doanh nghiệp khi khai thác vượt công suất…

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 2314/BTNMT-KSVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản (Dự thảo).

VCCI vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Điều 37a của Dự thảo sửa đổi Nghị định 158/2016/NĐ-CP dự định yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi có nhu cầu nâng công suất khai thác từ 15% trở lên. Điều 41 của Nghị định 36/2020/NĐ-CP dự kiến xử phạt với hành vi khai thác vượt công suất từ 15% trở lên.

Theo VCCI, hiện nay, việc doanh nghiệp xác định công suất khai thác theo từng thời điểm phụ thuộc nhiều vào diễn biến cung cầu trên thị trường. Nếu nhu cầu của thị trường giảm giá xuống, doanh nghiệp có xu hướng giảm công suất khai thác. Ngược lại, khi nhu cầu tăng hoặc khi nhà cung cấp khác dừng khai thác, doanh nghiệp sẽ phải tăng công suất. Việc tăng công suất trong trường hợp này có lợi cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế vì nó giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường, bù đắp cho sự sụt giảm công suất từ nhà cung cấp khác và giúp giá không tăng quá cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật của thị trường.

“Có thể suy đoán rằng, cơ quan Nhà nước lo ngại việc doanh nghiệp tăng công suất khai thác có thể dẫn đến nguy cơ tổng sản lượng vượt quá trữ lượng và/hoặc tăng các tác động môi trường của việc khai thác khoáng sản. Lo ngại này có cơ sở, nhưng hoàn toàn có thể được khắc phục bằng các biện pháp khác. Ví dụ, tăng cường thanh kiểm tra giám sát sản lượng, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường (như phun nước dập bụi). Chỉ riêng đối với trường hợp khai thác nước khoáng, nước nóng, cát sỏi lòng sông thì việc tăng công suất mới có tác động đáng kể mà không có biện pháp khắc phục hiệu quả”, VCCI phân tích.

Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án bỏ quy định xử phạt khi doanh nghiệp khai thác vượt công suất, trừ trường hợp đối với nước khoáng, nước nóng và cát sỏi lòng sông. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ phải thông báo đến cơ quan Nhà nước về việc tăng công suất kèm với báo cáo đầy đủ về sản lượng và biện pháp bảo vệ môi trường đi kèm.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định xử phạt khi doanh nghiệp khai thác vượt công suất, trừ trường hợp đối với nước khoáng, nước nóng và cát sỏi lòng sông - Ảnh minh họa: ITN

Cũng tại văn bản góp ý, theo VCCI, Điều 53b của Dự thảo sửa đổi Nghị định 158/2016/NĐ-CP dự định sẽ cho phép nhà đầu tư hoặc nhà thầu các công trình, dự án quan trọng quốc gia được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ dự án mà không thông qua đấu giá, không cần làm thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thủ tục đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Đây là biện pháp cần thiết giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án này.

Tuy nhiên, Điều 53b.5 có yêu cầu chỉ nhà đầu tư hoặc nhà thầu trực tiếp thi công dự án mới được thực hiện việc này mà không được phép thuê hay hợp tác với đơn vị khác để làm. Điều này có thể khiến cho việc khai thác khoáng sản được thực hiện bởi các đơn vị không chuyên, thiếu kinh nghiệm, làm gia tăng nguy cơ tai nạn, ô nhiễm môi trường, giảm khả năng khai thác hiệu quả. Nếu cho phép các nhà đầu tư, nhà thầu này được thuê hoặc liên kết với các đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thì sẽ mang lại hiệu quả khai thác tốt hơn.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 53b.5 theo hướng cho phép nhà đầu tư, nhà thầu được thuê hoặc hợp tác với đơn vị khác để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng phải bảo đảm việc giám sát sản lượng để khoáng sản đó chỉ được dành cho công trình, dự án quan trọng quốc gia.

Ngoài ra, Điều 14.3 của Dự thảo sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP đã có quy định về đăng công khai kế hoạch đấu giá trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo VCCI, Điều này chưa có quy định về thời điểm công khai.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thời điểm công khai thông tin sớm để doanh nghiệp có đủ thời gian cân nhắc, chuẩn bị tham gia đấu giá”, VCCI góp ý.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng để nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến: Thời gian thông báo, niêm yết việc đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá (Điều 18 và Điều 17.2 của Dự thảo); Nội quy cuộc đấu giá (Điều 20 của Dự thảo); Đấu giá không thành; Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 10.1 của Dự thảo).