Minh Anh ·
43 tuần trước
 8040

Cầu vượt thép 342 tỷ đồng ở Hà Nội thế nào sau gần 1 năm thi công?

Gần 10 tháng sau Lễ khởi công, dự án xây dựng 2 cầu vượt thép chạy dọc cầu Mai Dịch hiện hữu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đạt khoảng 50% tiến độ.

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 210 m, kéo dài điểm đầu của dự án ban đầu khoảng 688 m sang phía Nam cầu vượt Mai Dịch, trên đường Phạm Hùng. Phạm vi trong nút giao theo hướng đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu 320m (từ tim tuyến ra mỗi phía 160 m).

Mỗi bên cầu sẽ được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75m gồm: 1 làn xe cơ giới (3,5m) và 1 làn xe hỗn hợp (3m), còn lại là dải an toàn và bó vỉa. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 342 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án (BQLDA)Thăng Long làm chủ đầu tư, Tập đoàn TAISE (Nhật Bản) là nhà thầu thi công, dự kiến hoàn thành trước 31/3/2024.

Sau hơn 9 tháng thi công, tiến độ thi công dự án đạt trên 50%, cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh.

sdbs

Dự án hoàn thiện góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội. (Ảnh: Hữu Chánh)

Trước đó, 12h đêm 13/11, hai đốt dầm cuối cùng nối trụ T4 với T5 của cầu vượt thép bên trái, mỗi đốt nặng khoảng 50 tấn, dài 8m, đã được nhà thầu Tokyu Taisei của Nhật Bản lao lắp thành công.

Với đặc thù không gian công trình bị giới hạn chiều cao của dầm tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội phía trên, nhà thầu và đơn vị tư vấn đã lựa chọn phương án vận chuyển, thi công và lắp đặt tối ưu nhịp dầm dài 48m qua trung tâm nút - chia nhỏ thành 5 đốt, lắp ráp từng đốt tại hiện trường.

Đại diện tư vấn giám sát dự án cho biết, hiện đơn vị thi công đã lao lắp 13/18 nhịp cầu. Dự kiến trong tháng 11, việc lao lắp 5 nhịp cầu còn lại ở phía bên phải cầu sẽ hoàn thành.

Sau đó, đơn vị thi công sẽ tiến hành đổ bêtông bản mặt cầu trước Tết Âm lịch. Dự kiến hoàn thành dự án vào cuối tháng 3.2024.

Dự án hoàn thiện kỳ vọng sẽ tăng năng lực giao thông qua nút giao Mai Dịch, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội, bảo đảm thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận.

Khi hoàn thành, công tác phân luồng tổ chức giao thông sẽ ưu tiên cầu vượt Mai Dịch hiện nay dành cho các phương tiện ôtô lưu thông vượt nội đô.

Hai cầu vượt thép hai bên dành cho phương tiện xe buýt, ôtô và xe máy lưu thông trong khu vực nội đô, tránh xung đột các luồng phương tiện và đảm bảo an toàn giao thông.

Hơn 10 năm, Hà Nội chống ùn tắc giao thông bằng cầu vượt thép

Các phương án xây cầu vượt thép ở các nút giao đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp giải quyết những "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội.

Có thể kể đến là hai cầu vượt thép tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc (65,5 tỉ đồng) và Láng Hạ - Thái Hà (67 tỉ đồng) được khai thác từ tháng 4/2012, sau 100 ngày thi công. Cả hai công trình đều thiết kế cho cả xe máy cùng ôtô con...

Từ hiệu quả của 2 công trình đầu tiên, từ tháng 5/2012, ba cây cầu thép tiếp tục được Hà Nội xây tại nút giao Láng - Láng Hạ, nút giao Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, nút giao Nam Hồng với tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài với kinh phí hơn 850 tỉ đồng. Các công trình hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2012.

Hai cầu vượt thép tại các "điểm đen" ùn tắc khác được Hà Nội đồng loạt triển khai vào năm 2013 với tổng vốn hơn hơn 540 tỉ đồng, gồm cầu vượt ở nút giao Bạch Mai - Phố Huế và nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Hai cầu vượt hoàn thành sau 8 tháng thi công, với tổng mức đầu tư lần lượt là 181 tỉ đồng và 360 tỉ đồng.

Ba năm sau, Hà Nội tiếp tục chi hơn hơn 310 tỉ đồng làm thêm hai cầu vượt thép ở các nút giao Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám và Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái.

Từ năm 2017 - 2020, lần lượt các cầu vượt thép ở nút giao An Dương - Thanh Niên, Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu vượt hồ Linh Đàm được đưa vào khai thác. 3 cầu này có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng.

Gần đây nhất, Hà Nội đã đưa vào sử dụng công trình cầu vượt chữ C nối Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Cầu dài hơn 300m, rộng 9m, vốn đầu tư 150 tỉ đồng, hoàn thành sau 21 tháng thi công. Đây là công trình giao thông quan trọng, cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Có thể thấy, phương án xây cầu vượt thép là giải pháp cấp bách và phù hợp được TP Hà Nội lựa chọn trước thực trạng nhiều nút giao đã trở nên quá tải, trong lúc chưa đủ vốn làm hoàn chỉnh các nút giao.

Các cây cầu thép không phải cầu vĩnh cửu nên giá thành thấp, thời gian thi công nhanh, chi phí thấp, ít ảnh hưởng môi trường, ít chi phí bảo dưỡng; khi cần, công trình có thể được tháo dỡ, dời qua vị trí khác.

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - đánh giá: Cầu vượt thép đã đóng góp cho việc giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội một cách đáng kể, đặc biệt là các nút giao quan trọng, những tuyến đường giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Tuy nhiên với lượng xe liên tục tăng, nhiều cầu đã quá tải, do đó thành phố cần sớm đầu tư hoàn chỉnh các nút giao hoặc kết hợp cầu vượt thép với hầm chui để giải quyết ùn tắc.

Về lâu dài, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, thành phố cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ, trong đó có phát triển giao thông công cộng. Chỉ có phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt kết hợp với nhau mới đáp ứng được nhu cầu đi lại lớn của người dân...

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7092417750817920/