Với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng và 1 cầu qua sông Đà để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Việc hình thành các cây cầu bắc qua sông không những tạo thuận lợi về kinh tế mà còn góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô, thể hiện tầm nhìn hướng tới tương lai.
Bổ sung 4 cầu qua sông Hồng
Hiện nay, Hà Nội đã có 9 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy 1 và 2, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang.
Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 9 cây cầu kể trên, Thủ đô sẽ xây thêm 9 cây cầu qua sông Hồng , gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trùng đường Vành đai 4); Thăng Long mới (trùng đường Vành đai 3); Tứ Liên; Thượng Cát, Ngọc Hồi (trùng đường Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo; Phú Xuyên; Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Như vậy theo quy hoạch đã được duyệt, Hà Nội có tất cả 18 cây cầu bắc qua sông Hồng.
Ảnh minh họa
Mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội cho biết với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa.
Chính vì vậy, sở đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận.
Cụ thể gồm: cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc – Quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối Tả, Hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh.
Như vậy, nếu đề xuất được phê duyệt, Hà Nội sẽ có 22 cầu vượt sông Hồng, 9 cầu đã xây dựng, 13 cây cầu sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Một cầu qua sông Đà kết nối Hà Nội với Phú Thọ
Từ thực tế giao thông và nhu cầu phát triển hạ tầng phục vụ giao thông trong các năm tới, đại diện UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức cuộc họp với 8 tỉnh lân cận để rà soát quy hoạch giao thông và các dự án đã và đang thực hiện lâu nay. Đây cũng là một trong nội dung giúp Sở GTVT Hà Nội, cơ quan thường trực rà soát, cập nhật các nội dung mới vào Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô sẽ trình Chính phủ thông qua chủ trương thời gian tới.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội, cho biết, khác với các lần làm quy hoạch trước đây, lần này khi thực hiện các giải pháp phát triển GTVT trên địa bàn thành phố, đại diện UBND thành phố Hà Nội đã mời 8 tỉnh lân cận cùng họp bàn và đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển mới không chỉ cho Hà Nội mà còn cho các tỉnh lân cận.
Cụ thể, ngoài các vấn đề có tính định hướng, chiến lược lâu dài, qua rà soát thành phố Hà Nội và 8 tỉnh lân cận trong đó có Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… thấy rằng, hiện có 22 dự án đường giao thông của Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh. “Nếu theo quy hoạch trước đây và phương thức thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thì các dự án tại Hà Nội này chỉ làm trên địa phận Hà Nội, một số dự án chạy đến địa phận các tỉnh, nếu các tỉnh không có đường kết nối là trở thành đường cụt, cầu cụt”, ông Thành nói.
Theo Quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2030 tầm nhìn 2050, thành phố Hà Nội có 22 dự án đường giao thông kết nối với các tỉnh thành lân cận, trong đó có các tuyến đường hướng tâm, trục giao thông chính. Các tuyến đường này bao gồm: 1 đường kết nối đến tỉnh Hoà Bình; 1 tuyến kết nối đến tỉnh Phú Thọ; 3 tuyến kết nối đến tỉnh Vĩnh Phúc; 2 tuyến kết nối đến tỉnh Bắc Giang; 4 tuyến kết nối đến tỉnh Bắc Ninh; 5 tuyến kết nối đến tỉnh Hưng Yên; 2 tuyến kết nối đến tỉnh Hà Nam.
Từ thực tế trên và nhu cầu kết nối, đi lại giữa các tỉnh với Hà Nội và ngược lại, cuộc họp giữa thành phố Hà Nội với 8 tỉnh vừa qua đã thống nhất, cùng với rà soát quy hoạch chung, đại diện các tỉnh cũng “bày” quy hoạch của mình ra để bàn cách phát triển. Các tỉnh thống nhất, cùng nhau đầu tư hạ tầng để kết nối với 22 dự án đường giáp ranh với Hà Nội. “Ngoài phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tăng kết nối giao thông, 22 dự án này khi được 8 tỉnh cùng thống nhất thực hiện với Hà Nội còn giúp tăng liên kết vùng, tạo phát triển không gian đô thị cho từng địa phương.
Như vậy theo đề xuất có 4 cầu vượt qua sông Hồng được xác định không gian và vị trí và 1 cầu qua sông Đà (đã được khảo sát và đặt tên là cầu Tu Vũ) để kết nối Hà Nội với tỉnh Phú Thọ.
Với kế hoạch thực hiện 5 cầu này, phương án xây cầu sẽ được đưa ra sau khi Thủ tướng thông qua chủ trương Quy hoạch GTVT Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, do vai trò và tính cấp thiết của các công trình này, cùng với đó các dự án đường kết nối đã có trong quy hoạch cũ nên ngoài hoàn thiện Quy hoạch GTVT mới, các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng phải tính đến các phương án thực hiện 5 cầu bắc mới qua sông Hồng và sông Đà, trong đó có khảo sát địa hình, tìm nguồn vốn đầu tư. Về nguồn vốn đầu tư, do ngân sách nhà nước có hạn nên để đầu tư các cầu này, hình thức đầu tư PPP trong đó có hợp đồng BOT sẽ được tính đến.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6962122240514139