Đây là 1 trong những nội dung có trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vừa được Chính phủ ban hành ngày 8/1.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5 - 3 điểm % so với đầu năm. So với giai đoạn Covid-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm, nhưng lại tương đồng ở kỳ hạn 6-9 tháng.
Lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5 - 3 điểm % so với đầu năm.
Còn theo báo cáo chiến lược mới nhất của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống giảm từ 2 - 2,9 điểm %, tùy từng kỳ hạn.
Với diễn biến này, VCBS cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước địch Covid-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Nhìn lại năm 2023, mặc dù có sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không đạt được mục tiêu đề ra. Đến hết 2023, dư nợ tín dụng tăng 13,71% so với 2022 (mục tiêu là tăng 14-15%), tương đương 13,5 triệu tỷ đồng.
Vì thế một trong những nghiệm vụ Chính phủ nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP là việc tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".
Việc này cũng đảm bảo mục tiêu "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát". Các giải pháp này sẽ được thực hiện đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và kiểm soát với lĩnh vực rủi ro.
Phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.
Thủ tướng cũng lưu ý cần có chính sách tín dụng phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, y tế giáo dục…
Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng mong muốn các ngân hàng tiếp tục nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh.
Chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.