Bích Ngọc ·
31 tuần trước
 9856

Cho vay lãi cao, công ty tài chính vẫn báo lỗ lớn?

Trong năm vừa qua, lợi nhuận các công ty tài chính lớn giảm sâu do nợ xấu tăng dù lãi suất cho vay cao.

Lợi nhuận lao dốc

Tính đến thời điểm hiện tại, các công ty tài chính tiêu dùng đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ trong kỳ.

Là công ty tài chính có thị phần lớn nhất Việt Nam nhưng trong 2 năm gần đây FE Credit không còn là "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng mẹ VPBank. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB, năm 2023, FE Credit ghi nhận lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng. Mức lỗ của công ty tài chính này đậm nhất thị trường, tuy nhiên đã giảm so với con số âm hơn 3.900 tỷ đồng năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Hai công ty tài chính có vốn từ Hàn Quốc là Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) và Công ty Shinhan Finance cũng đồng loạt báo lỗ lớn.

Trong năm 2023, Công ty Shinhan Finance lỗ sau thuế hơn 462,7 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 312,2 tỷ đồng. Kể từ khi ra mắt thương hiệu Shinhan Finance tại thị trường Việt Nam vào năm 2019 thì đây là khoản lỗ đầu tiên .

Tương tự, trong năm 2023 Mirae Asset báo lỗ sau thuế 963 tỷ đồng, trong khi năm 2022 ghi nhận lãi 127 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 nhiều công ty tài chính khác lại lao dốc về lợi nhuận.

Theo đó, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit - công ty con của Tập đoàn MB) vốn lãi lớn trong các năm trước, ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 chỉ đạt 240 tỷ đồng (giảm mạnh đến 75% so với mức lãi 960 tỷ đồng của năm 2022). Năm 2023, Mcredit từng đặt mục tiêu lợi nhuận 1.300 tỷ đồng.

Một công ty tài chính khác là Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit)  trong năm 2023 cũng có lợi nhuận giảm. Theo VietCredit, năm vừa qua chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 19,2 tỷ đồng, giảm gần 70% so với mức lãi hơn 63,3 tỷ đồng của năm 2022.

Những công ty tài chính từng mang về hơn nghìn tỷ lợi nhuận trong năm 2022 như Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit) hay HD Saison cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của thị trường chung.

Trong đó, Home Credit ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 giảm hơn 68% so với năm 2022 (xuống còn hơn 375 tỷ đồng). Tính đến cuối năm ngoái, vốn chủ sở hữu của Home Credit đạt hơn 6.750 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm; chỉ tiêu an toàn vốn đạt 24,94%.

Trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của HD Saison sụt giảm tới 43%, còn hơn 1152 tỷ đồng.

Lãi cho vay cao, tại sao công ty tài chính vẫn lỗ lớn?

Giới chuyên gia nhận định, khó khăn chung của nền kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu dùng, khả năng thanh toán của người dân sụt giảm mạnh, từ đó cũng là nguyên nhân chính tạo nên bức tranh xám màu của ngành tài chính tiêu dùng. Khó mở rộng cho vay, nhu cầu giảm, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và hoạt động cho vay bị thắt chặt... là những nguyên nhân khiến lợi nhuận các công ty tài chính bị ảnh hưởng mạnh.

Đồng thời, vấn đề nợ xấu tăng khiến các công ty tài chính phải tăng trích dự phòng khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh năm qua.

Theo nhiều công ty tài chính, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là làn sóng "bùng nợ" có chủ đích từ phía khách hàng. Nhiều khách hàng không trả nợ, họ vin vào lý do cơ quan chức năng gần đây triệt phá đường dây đòi nợ, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu cưỡng đoạt tài sản.

Cùng với đó, chế tài với khách hàng bùng nợ chưa cao, trong khi việc khởi kiện khó thực hiện với khoản nợ giá trị thấp.

Cũng vì thế, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay vẫn thiếu một hành lang pháp lý đủ sức vừa chế tài, quản lý được việc các doanh nghiệp cho vay sai quy định cũng như vừa bảo vệ được những doanh nghiệp làm đúng, tạo ra sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7671868096206213