Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8769

Nguyên nhân nào khiến nợ xấu của các công ty tài chính tăng vọt?

Hiệp hội Ngân hàng cho hay, đến nay các công ty tài chính đã có nợ xấu lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Không ít công ty đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen" do VTV Digital tổ chức sáng ngày 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho hay, tính đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng (chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.

Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng, còn số này chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống.

Tuy vậy, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, thậm chó còn có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn.

Giải thích cho tình trạng nợ xấu tăng cao, ông Hùng cho biết, bên cạnh những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm nhưng lại có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, có trường hợp người trước khuyên người sau không trả nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho hay, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng (từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023).

Ông Ninh cho hay, một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng nợ xấu tăng mạnh tại các tổ chức tài chính là do ảnh hưởng từ nền kinh tế gặp khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, GDP của nước ta tăng 4,24%, mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay (không tính năm 2020, 2021 do tác động của dịch Covid-19).

Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút dẫn đến người lao động có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Trong nửa đầu năm nay, thị trường bán lẻ tại nước ta chứng kiến mức tăng trưởng âm trong doanh thu.

Các công ty tài chính cũng bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình bùng nợ và hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng,…

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Quyền Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho rằng nguyên nhân của việc “bùng nợ” là vì khách hàng chưa nhận thức rõ về hậu quả mang lại. Việc hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến nhân viên của các công ty tài chính gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ.

Theo ông Lê Quốc Ninh - Đại diện Câu lạc bộ các Công ty tài chính, giải pháp căn cơ nhất là những chính sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế và các chính sách tiền tệ, tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, qua đó giúp hồi phục thị trường tiêu dùng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống, cần được phân biệt rõ với hoạt động tín dụng đen.

Ông Ninh cũng đề nghìn Ngân hàng Nhà nước áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động và cho vay với đối tượng có thu nhập trung bình, thấp, không ổn định… của các công ty tài chính.

Về giải pháp cho vấn đề này, một số đề xuất khác cũng được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo gồm: Cơ quan chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý răn đe nhóm khách hàng không trả nợ; xây dựng hành pháp lý hoạt động xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu blacklist,…

Trong đó, bà Nguyễn Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho rằng giải pháp quan trọng nhất là cần nâng cao trách nhiệm của người dân, khi đã đi vay là phải có ý thức trả nợ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7021608824565480/?