Sáng ngày 16/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD và vấn đề thu hồi nợ hiện nay”.
Tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, đầu năm nay, lợi dụng những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (TP&VPPL) liên quan đến hoạt động tín dụng đen có những diễn biến phức tạp, các đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên với mục đích sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1000%/năm. Tiếp đó móc nối với một số nhân viên ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi các khoản vay.
Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi của các app cho vay, công ty tài chính, ngân hàng rồi gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản. Trong đó có 03 cấp độ: thứ nhất, gọi điện chửi bới, đe dọa khách hàng trả tiền; thứ hai, gọi điện đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm; thứ ba, mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đặt bình ga, xăng dọa cho nổ cơ quan, nhà ở…
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự cho hay, lực lượng Công an đã triệt phá hàng loạt các doanh nghiệp núp bóng và xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, các đối tượng có dấu hiệu tan rã, co cụm, hoạt động cầm chừng, tình trạng gọi điện, nhắn tin khủng bố giảm.
Theo đó, CATP Hồ Chí Minh đã triệt phá các băng nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ, Công ty CP ĐTKD F88 có các bộ phận thu hồi nợ với hàng chục, hàng trăm nhân viên gọi điện đe dọa, khủng bố người vay và người thân người vay.
Cho đến nay, đã khởi tố 64 bị can về cưỡng đoạt tài sản.. Tiếp tục kiểm tra các Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy DR, Chi nhánh một số công ty tài chính, tuy vậy các công ty này đã đối phó, giải thể bộ phận thu hồi nợ, chuyển sang địa bàn khác, thậm chí chia lẻ các nhân viên hoạt động tại nhà riêng…
Bên cạnh đó, CAT Tiền Giang đấu tranh chuyên án triệt phá băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng công ty Luật TNHH Pháp Việt có 415 nhân viên, chuyên mua lại các khoản nợ, đòi nợ thuê cho các chi nhánh ngân hàng, các công ty tài chính với tổng trên 2,6 triệu hợp đồng với hóa hồng từ 4 – 35%/hợp đồng. Đến tháng 8/2023 đã khởi tố 111 bị can về cưỡng đoạt tài sản, trong đó có 02 PGĐ điều hành – thuê 01 đối tượng nữ làm Giám đốc, 20 Trưởng phòng, nhóm trưởng, 01 thư ký.
CAT Quảng Nam kiểm tra Công ty TNHH Legal Aplus (công ty luật) có khoảng 25 nhân viên thuê luật sư đứng tên đại diện pháp luật, có bộ phận thu hồi nợ, nhóm nay chuyên cắt ghép hình ảnh vu khống. Đồng thời, khám xét 02 trụ sở của Công ty tài chính tại TP.Tam Kỳ có 150 nhân viên thu nhiều tài liệu cho vay, đòi nợ.
CATP Hà Nội đấu tranh Chuyên án triệt phá băng nhóm núp bóng 7 công ty gồm: Công ty CP ĐT Omnia, Công ty TNHH thu hồi nợ CR, Công ty Luật TNHH Kiên Cường; Công ty TNHH Mua bán nợ DSP; Công ty TNHH Mua Bán nợ; Công ty CP DV tài chính Kiên Long, Công ty CPDV Bắc Án; Công ty CP DV tài chính Nam Á Lữ Gia với 119 nhân viên hoạt động đòi nợ thuê với các bộ phận kế toán, data khách hàng, IT -kỹ thuật, thu hồi nợ. Trong đó mỗi tháng nhân viên được giao thu hồi 300 triệu đồng tiền nợ, nếu 2 tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu sẽ đuổi việc. Tính từ tháng 7/2018 đến hết 2022, đã đòi nợ được 571 tỷ đồng, hưởng hoa hồng 485 tỷ đồng. Đến nay đã khởi tố 36 bị can.
Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự cho hay, hiện tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao khi chưa đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, có một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng, vay vốn qua tín dụng đen hoặc để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Lợi nhuận bất chính từ hoạt động tín dụng đen rất cao so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, trong khi các sơ hở, hạn chế trong quản lý nhà nước chưa được giải quyết triệt để, chế tài xử lý hành vi liên quan HĐ TDĐ chưa đủ sức răn đe.
Cục Cảnh sát Hình sự đề nghị Hiệp hội ngân hàng hướng dẫn và khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, TCTD trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động, việc chấp hành các quy định của các ngân hàng, TCTD để chấn chỉnh các hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.
Rà soát và khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê. Nếu phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7080953601964335/?