Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT - chủ đầu tư dự án chung cư Hà Nội Paragon (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang bị cư dân phản đối về việc tự ý xây dựng hệ thống kiểm soát xe ra vào toà nhà không đúng với thiết kế ban đầu. Trong khi đó, nhìn vào kết quả kinh doanh, doanh nghiệp này thua lỗ triền miên trong những năm qua.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT - chủ đầu tư dự án chung cư Hà Nội Paragon.
Chung cư Hà Nội Paragon là tổ hợp khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 8.200 m2 và từng được quảng cáo rầm rộ là dự án với “phong cách sống Singapore giữa lòng Hà Nội”.
Tiền thân của dự án là khu đất được Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT (Công ty VT) thuê để xây dựng Tòa nhà trung tâm thương mại Paragon từ năm 2007 và được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009. Sau đó, tới năm 2011, dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh chuyển mục đích đầu tư dự án thêm chức năng nhà ở và văn phòng. Tới năm 2012, chủ đầu tư chính thức nhận quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở lâu dài để triển khai dự án Hanoi Paragon.
Tuy nhiên, phải tới hơn 2 năm sau, dự án mới chính thức được cấp phép triển khai khi Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 3352/BXD-HĐXD về việc miễn giấy phép xây dựng dự án do đã có Quy hoạch chi tiết 1/500 toàn thể Khu đô thị mới Cầu Giấy từ trước đó.
Đến quý II/2015 dự án mới chính thức khởi công với cam kết hoàn thành, bàn giao và đi vào sử dụng từ quý IV/2017. Cuối tháng 3/2017, Hanoi Paragon chính thức mở bán và trở thành một trong những dự án hot nhất vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, dự án đã bị “phanh phui” hàng loạt vấn đề như: Chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất… Đồng thời, chủ đầu tư dự án cũng rơi vào “kiện tụng” tranh chấp với nhà thầu và buộc phải dừng thi công, nên không thể hoàn thành cam kết bàn giao nhà với khách hàng như dự kiến ban đầu.
Trong báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội với HĐND Thành phố cuối năm 2018, dự án cũng đã được liệt kê trong danh sách dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng.
Cập nhật đến cuối năm 2022, Công ty VT đang ghi nhận gần 1.298 tỉ đồng chi phí xây dựng dở dang vào Hà Nội Paragon, chiếm đến gần 65% tổng tài sản doanh nghiệp đang có (2.001 tỉ đồng).
Người dân đặt câu hỏi, chủ đầu tư sử dụng vốn để thực hiện dự án khác hay năng lực tài chính của doanh nghiệp này có vấn đề?
Dấu hỏi về năng lực tài chính?
Dữ liệu tài chính riêng lẻ của Công ty VT cho thấy, kết thúc năm 2022, tổng tài sản doanh nghiệp này khoảng 2.001 tỉ đồng. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả tại Công ty VT lên đến 2.486 tỉ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn còn 1.414 tỉ đồng và nợ dài hạn 1.072 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy, ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Công ty VT đã vượt xa tổng tài sản đang có của công ty. Đồng thời, nợ ngắn hạn (1.414 tỉ đồng), cao hơn tài sản ngắn hạn công ty đang có (489 tỉ đồng) khoảng 1.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Công ty VT là 0,34.
Theo tiêu chí tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn con số 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Ngày 31/12/2022, Công ty VT không ghi nhận hàng tồn kho. Tiền mặt còn hơn 4 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng có hơn 23 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số gần 66 tỉ đồng hồi đầu năm.
Theo cập nhật được doanh nghiệp công bố ngày 21.7.2023, Công ty VT đăng ký ngành nghề kinh doanh chính “Xây dựng nhà để ở”. Tổng số lao động được cập nhật là 10 người. Ông Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1985) hiện đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Kết thúc năm 2022, Công ty VT không ghi nhận doanh thu, đồng thời lỗ sau thuế gần 50 tỉ đồng. Trong năm trước đó (2021), doanh nghiệp này cũng thua lỗ hơn 48 tỉ đồng. Việc thua lỗ liên tiếp là nguyên nhân chính khiến Công ty VT đang gánh khoản lỗ luỹ kế (tính đến cuối năm 2022) lên đến 612 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu công ty âm gần 485 tỉ đồng, trong bối cảnh vốn góp của chủ sở hữu chỉ ở mức 127 tỉ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổ phần lớn tài sản của mình vào Hà Nội Paragon phải chăng là một trong những nguyên nhân khiến Công ty VT đang chịu áp lực lớn về khả năng thanh khoản của mình?
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6971606252899071/