TPDN có 60% thuộc mảng năng lượng tái tạo
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB), HĐQT đã trả lời câu hỏi của cổ đông về khoản mục đầu tư chứng khoán trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc SHB cho biết, trái phiếu ngân hàng đang nắm giữ sắp đến ngày đáo hạn có 3 loại: Trái phiếu chính phủ (chiếm gần 60%), tương đương 19.000 tỷ đồng, 40% trái phiếu còn lại là trái phiếu của một số tổ chức tín dụng (chiếm 3,5%) tương đương khoảng 1.120 tỷ đồng và cuối cùng là trái phiếu doanh nghiệp, hơn 13.100 tỷ đồng.
Trong số trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng này đang nắm giữ, có 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo với kỳ hạn 3- 5 năm, còn lại 40% trái phiếu là mảng bất động sản và xây dựng liên quan đến một số dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở.
Theo bà Hà, các dự án này đều có thanh khoản tốt, SHB đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp, chủ đầu tư trái phiếu này hiện vẫn đang thanh toán gốc lãi đầy đủ.
Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cũng khẳng định thêm, tất cả các trái phiếu doanh nghiệp mà SHB nắm giữ đều có tài sản đảm bảo và hồ sơ pháp lý đầy đủ. Trái phiếu của các dự án năng lượng tái tạo phục vụ mục đích kinh doanh chính đáng.
Chủ tịch SHB cho hay, về trái phiếu doanh nghiệp “cả người SHB và cổ đông SHB đều rất yên tâm không có rủi ro”.
Được biết, SHB không tham gia bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trong đó, chỉ có một vài chi nhánh SHB thực hiện dịch vụ đại lý về mảng này.
Rủi ro cho vay bất động sản sẽ không cao
Về vấn đề thắc mắc của cổ đông về rủi ro của 31.000 tỷ đồng khoản cho vay bất động sản, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển giải đáp, cần xem xét từng phân khúc để cân nhắc việc cho vay bất động sản, xây dựng nhà ở có rủi ro hay không. Việc cho vay cần xác định trên nhiều cơ sở như: người ở, giá cả hợp lý, pháp lý, thanh khoản tốt, vị trí tốt, nhu cầu thực người mua để ở sẽ rất an toàn. Còn việc cho vay các công ty, chủ đầu tư, đầu tư xây dựng, tập đoàn lớn về nhà thầu luôn cần đảm bảo được tài sản pháp lý, thanh khoản.
Theo ông Hiển, với tỉ lệ SHB cho vay bất động sản bao gồm xây dựng như trên, rủi ro với vấn đề này không cao.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của SHB tại Hà Nội. Nguồn ảnh: Internet.
Ước tính kết quả kinh doanh quý đầu năm, Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà cho hay, tính đến hết quý I/2023, tăng trưởng vốn trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%, lợi nhuận ước tính đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, mức room tín dụng SHB được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm là 7,9%, tới ngày 31/3 tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 6%.
Cuối năm 2022, nợ xấu của ngân hàng này (bao gồm nợ xấu ở CIC) tăng mạnh. Về giải pháp trong năm 2023, xử lý thu hồi nợ cũng được SHB đặt là mục tiêu trọng tâm. Đưa ra giải pháp cụ thể tới từng khách hàng, xử lý tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, giá trị tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là rất lớn, tỉ lệ dư nợ xấu trên tài sản bảo đảm chiếm tỉ lệ 37%, vậy nên SHB tự tin có thể thu hồi được cả gốc và lãi của các khoản vay.
Cùng với đó, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cũng cho hay, SHB sẽ thực hiện cấu trúc tài chính, tài sản. Ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo ban xử lý nợ. Về tỉ lệ dư nợ xấu trên tổng tài sản đảm bảo chỉ ở khoảng 37%, ngân hàng sẽ có giải pháp chỉ đạo sát sao và đồng hành với khách hàng trong quá trình xử lý nợ.