Vốn hoá thị trường mất gần 340.000 tỷ đồng
Được biết, đóng cửa phiên hôm qua (ngày 25/8), chứng khoán bốc hơi gần 40 điểm (3,34%), đóng cửa ở 1.153,2 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 720 mã giảm và 176 mã tăng. Trong đó, số mã giảm sàn lên đến 172 mã.
VN-Index lao dốc khi áp lực bán tháo xuất hiện, các ngành của thị trường đều chìm trong sắc đỏ. Đặc biệt là ngành chứng khoán có mức giảm sâu nhất thị trường (với chỉ số ngành lao dốc 7,23%) phản ánh diễn biến tiêu cực của ngành này. Toàn ngành có đến 25/25 mã giảm (trong đó có 22 mã kịch sàn).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tính từ ngày 21 - 25/9, VN-Index đã giảm mạnh (xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm). Theo đó, trong 3 phiên liên tiếp, chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm gần 6% (về còn 1.153,2 điểm). HNX-Index cũng tương tự, chỉ số sàn HNX giảm từ mức 254,82 về còn 231,5 điểm (giảm hơn 9%).
Về vốn hóa, chỉ trong 3 phiên, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi gần 340.000 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD), xuống mức còn gần 6 triệu tỷ đồng. Giá trị vốn hóa ở sàn HOSE giảm gần 280 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 11,5 tỷ USD), về mức 4,6 triệu tỷ đồng.
Theo giới phân tích, nhà đầu tư đang lo lắng khi giá dầu tăng mạnh có thể leo lên mức 100 USD/thùng khiến lạm phát quay trở lại. Một khi lạm phát tăng, chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng thắt chặt, tiền sẽ không còn rẻ nên ảnh hưởng đến thị trường.
Được biết, theo Thông tư 8/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm (xuống mức 30%).
Giảm tỉ trọng xuống mức an toàn
Công ty Chứng khoán KBSV cho hay, trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản. Cùng với đó ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
Trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các nhà băng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS, ở góc nhìn ngắn hạn thị trường đang trong nhịp điều chỉnh thứ 2 sau khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.250 điểm. So với dự kiến nhịp điều chỉnh này đang mạnh hơn khiến cho VN- Index đánh mất toàn bộ các hỗ trợ tại 1.200 điểm, 1.175 điểm và chạm tới hỗ trợ mạnh của uptrend tại ngưỡng 1.150 điểm. Động lực trong ngắn hạn của thị trường đã bị suy giảm mạnh cho nên trong thời gian tới nếu nhịp hồi phục diễn ra trong thời gian tới sẽ chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật nhiều hơn.
Về góc nhìn trung hạn, với việc VN- Index giảm về khu vực 1.150 khiến xu hướng uptrend của thị trường bị đe dọa. Với trạng thái hiện tại, nếu VN-Index không ngừng đà giảm và có nhịp hồi phục sớm thì rủi ro xu hướng tăng điểm trung hạn uptrend sẽ thất bại và để hình thành nền tích lũy mới thị trường sẽ cần thêm rất nhiều thời gian trước khi có xu hướng tích cực tiếp theo.
Nếu thị trường có nhịp hồi phục thì cũng vẫn cần nhiều thời gian để mức độ biến động giảm dần và hình hành nền tích lũy chặt chẽ trở lại.
Chính vì vậy, xét về tổng thể xu hướng tích cực trung - dài hạn đang bị chững lại và sẽ cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tảng tích lũy mới.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia SHS, thị trường chưa kết thúc điều chỉnh và hình thành rủi ro kết thúc uptrend trung hạn, nhà đầu tư ngắn hạn tranh thủ nhịp hồi phục kỹ thuật để giảm tỷ trọng xuống mức an toàn. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại đồng thời theo dõi diễn biến thị trường, kiên nhẫn chờ cơ hội giải ngân thêm khi thị trường tích lũy ổn định trở lại.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6879224625470568/?