Bích Ngọc ·
5 tuần trước
 9709

Chuyên gia khuyên nên đầu tư vào đâu để sinh lời nhiều?

Hiện tiền gửi tiết kiệm đang chạm đáy, các kênh đầu tư, tài sản cùng nhau tăng giá, quyết định của cả nhà đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư luôn gắn với "khẩu vị rủi ro", có thể chia ra phân khúc: người thích lợi nhuận cao thì chấp nhận mạo hiểm còn người không chịu được áp lực rủi ro thì trung thành với tiền gửi tiết kiệm.

Kênh đầu tư nào hút tiền?

Lãi suất tiết kiệm xuống thấp, trong khi các loại tài sản đang tăng giá. Để tiền sinh lãi tốt hơn thì nên đầu tư vào đâu là câu hỏi mà rất nhiều người người có tiền gửi ngân hàng đang tìm câu trả lời.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Các chuyên gia cho hay, người quyết định gửi tiền tiết kiệm ở nhà băng là những người đặt mục tiêu đầu tư an toàn lên hàng đầu. Họ không mạo hiểm với tiền tích lũy do đó không chuẩn bị tâm lý chịu áp lực khi giá của tài sản đầu tư biến động.

Yêu cầu thứ hai là phải có đồng ra đồng vào, hằng tháng, hằng quý được trả lãi cố định mà những điều này các loại hình đầu tư rủi ro không có được. Tiếp đó là tính thanh khoản cao, khi cần tiền cầm sổ ra ngân hàng rút được ngay, không phải chờ được giá mới bán thu tiền về nếu đầu tư.

Chính vì thế, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn và có hiệu quả nhất đối với những người muốn sự an toàn, bất kể lãi suất lao dốc khiến người gửi tiền sốt ruột.

Còn với những người ưa mạo hiểm hơn, đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán, Bitcoin... lúc này có đủ sức để kéo những người có tiền gửi tại ngân hàng đem tiền đi đầu tư không?

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho biết, với các tài sản trên, tiền mã hóa đang có rủi ro cao nhất, nhà đầu tư không nên rót tiền vào loại tài sản này.

Còn với kênh đầu tư vàng, nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể sẽ khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng.  Bếu không kịp "trở tay", nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng thua lỗ. Còn đối với ngoại tệ, so với đầu năm, tỷ giá USD/VND chỉ có mức biến động rất nhỏ so với các kênh đầu tư khác. Do đó, đổ tiền vào vàng hay USD cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn lúc này.

Với thị trường bất động sản, sự phục hồi bắt đầu ghi nhận vào cuối năm ngoái, tuy nhiên chỉ ở vài phân khúc, nhất là phân khúc căn hộ chung cư.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trước, dòng tiền sau đó mới chảy vào bất động sản. Để thị trường bất động sản có thể hồi phục trở lại sẽ mất ít nhất 2-3 năm, trước hết ở các phân khúc có nhu cầu thực như nhà phố ở trung tâm, căn hộ chung cư ở trung tâm. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền ngoại thành hoặc tỉnh lẻ hồi phục chậm hơn, phải 3-5 năm sau mới có hy vọng sôi động trở lại.

Theo đó, nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định kênh đầu tư hấp dẫn nhất vẫn là chứng khoán. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng trong năm 2024 chứng khoán sẽ là một trong những kênh đầu tư hút dòng tiền. 

Nhìn vào số liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, trong bối cảnh chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, trong 2 tháng đầu năm số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục tăng hơn 113.000 tài khoản.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank, từ tháng 12/2023 chứng khoán bắt đầu đi lên và là một trong các kênh đầu tư tốt nhất lúc này. Thậm chí, theo dự báo của lãnh đạo một số công ty chứng khoán, VN-Index có thể đạt hơn 1.300 điểm trong năm 2024.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7551481618244862/?