Bích Ngọc ·
3 ngày trước
 9725

CII muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu dù đang nợ hơn 1 tỷ USD?

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ Thuật TP.HCM (HoSE: CII) dù đang nợ hơn 1 tỷ USD thế nhưng vẫn muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, tổng mệnh giá chào bán là 300 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm.

Cụ thể, ngày 1/7 vừa qua, HĐQT CII đã thông qua các công việc liên quan đến việc chào bán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, tổng mệnh giá chào bán là 300 tỷ đồng.

Được biết, tổng khối lượng trái phiếu dự kiến chào bán là 3.000 trái phiếu (tương đương 300 tỷ đồng). Kỳ hạn trái phiếu là 36 tháng kể từ ngày phát hành.

Về lãi suất, thả nổi trong suốt kỳ hạn trái phiếu. Cụ thể, bằng tổng của 4,85% và lãi suất tham chiếu.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong đó, lãi suất tham chiếu có nghĩa là trung bình cộng của lãi suất tiền gửi có kỳ hạn/tiền gửi tiết kiệm áp dụng cho khách hàng cá nhân bằng Đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng do 4 ngân hàng MBBank, VPBank, ACB và Techcombank công bố vào khoảng 11 giờ sáng (giờ Việt Nam) của ngày xác định lãi suất có liên quan.

Lưu ý rằng, tại thời điểm 31/3/2024, CII đang có tổng dư nợ 26.677 tỷ đồng (tương ứng hơn 1 tỷ USD). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 4.846 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 15.274 tỷ đồng và trái phiếu chuyển đổi là 2.840 tỷ đồng. Như vậy, vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp này là hơn 20.120 tỷ đồng (chiếm 75% dư nợ phải trả của doanh nghiệp).

Về tình hình kinh doanh, nhìn vào BCTC hợp nhất quý 1/2024 cho thấy, CII ghi nhận doanh thu thuần đem về 878 tỷ đồng (tăng 17,4% so với cùng kỳ). Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp là 471 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, trong kỳ, doanh thu tài chính đem về cho CII 471 tỷ đồng (tăng 71%).

Ngược chiều, lãi trong công ty liên doanh, liên kết là 120 triệu đồng (giảm mạnh so với con số 15,7 tỷ đồng ở cùng kỳ). Đặc biệt, lợi nhuận khác báo lỗ hơn 2,3 tỷ đồng, trong khi đó con số này ở cùng kỳ năm trước là lãi 4,8 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 532 tỷ đồng (tăng 145%), 24,4 tỷ đồng (tăng 55,3%) và 186,6 tỷ đồng (tăng 116,7%).

Kết quả, trong quý 1/2024, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế đạt 322 tỷ đồng, tăng gấp gần 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước (7,1 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 259 tỷ đồng (tăng 35,4 lần so với cùng kỳ năm trước). Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, giúp lãi suất cơ bản trên cổ phiếu đạt 752 đồng, so với cùng kỳ tăng 27,8 lần.

Số lượng doanh nghiệp mới chậm trả tiếp tục tăng

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 93,8 nghìn tỷ đồng, (tăng 165% so với cùng kỳ). Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 7,8%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm ngoái.

Tính từ đầu năm, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 53,8 nghìn tỷ, (tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 57%, lãi suất bình quân gia quyền là 4,9%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm. Trong đó, phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: ACB (10 nghìn tỷ đồng), Techcombank (9 nghìn tỷ đồng), BIDV (5,5 nghìn tỷ đồng).

Tiếp đó là nhóm ngành Bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 25,3 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 32,9 nghìn tỷ đồng), tỷ trọng 27%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản vẫn ở mức 12,3%/năm với kỳ hạn bình quân là 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất gồm có: CTCP Vinhomes (10 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (10 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).

Theo MBS, nhóm ngành ngân hàng chiếm 81.3% tỷ trọng mua lại trong tháng. Tính tới ngày 19/06, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 5,4 nghìn tỷ đồng (giảm 63% so với tháng trước). Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 54,3 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 55% so với cùng kỳ.

Số lượng doanh nghiệp mới chậm trả tiếp tục tăng trong tháng trước áp lực đáo hạn của lượng lớn trong quý. Trong tháng 6, đã ghi nhận thêm 2 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản khiến cho tổng số chậm trả lên đến 113 doanh nghiệp. Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 197,1 nghìn tỷ đồng, (chiếm 19,6% dư nợ TPDN của toàn thị trường), trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất tiếp tục là nhóm ngành bất động sản với khoảng 70% giá trị chậm trả.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8045870922139260