Mới đây, Công ty chứng khoán MBS đã có báo cáo phân tích về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. MBS cho hay, hoạt động phát hành có phần ảm đạm với nhóm ngân hàng áp đảo tổng giá trị phát hành mới trong tháng 6. Lãi suất trái phiếu nhóm ngân hàng quay đầu giảm.
Theo đó, từ ngày 1 đến ngày 20/6, tổng giá trị TPDN phát hành thành công ước đạt hơn 20,4 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 37%. Giá trị trái phiếu phát hành trong tháng vắng bóng các đợt phát hành thuộc về nhóm ngành Bất động sản trong bối cảnh khả năng trả nợ vẫn ở mức yếu.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Còn ngược lại, nhóm ngành Ngân hàng chiếm 94% tổng giá trị phát hành, trong đó bao gồm ACB (10 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 4,5%/năm), Shinhanbank Việt Nam (4 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5,1%/năm) và MSB (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,3%/năm).
Đáng chú ý, dự kiến các quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Cùng với đó, trong môi trường lãi suất thấp, nhà băng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 93,8 nghìn tỷ đồng, (tăng 165% so với cùng kỳ). Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 7,8%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Tính từ đầu năm, nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất là ngân hàng với khoảng 53,8 nghìn tỷ, (tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 57%, lãi suất bình quân gia quyền là 4,9%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm. Trong đó, phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: ACB (10 nghìn tỷ đồng), Techcombank (9 nghìn tỷ đồng), BIDV (5,5 nghìn tỷ đồng).
Sau đó là nhóm ngành Bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 25,3 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 32,9 nghìn tỷ đồng), tỷ trọng 27%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản vẫn ở mức 12,3%/năm với kỳ hạn bình quân là 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất gồm có: CTCP Vinhomes (10 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (10 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).
Theo MBS, nhóm ngành ngân hàng chiếm 81.3% tỷ trọng mua lại trong tháng. Tính tới ngày 19/06, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 5,4 nghìn tỷ đồng (giảm 63% so với tháng trước). Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 54,3 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 55% so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp mới chậm trả tiếp tục tăng trong tháng trước áp lực đáo hạn của lượng lớn trong quý. Trong tháng 6, đã ghi nhận thêm 2 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản khiến cho tổng số chậm trả lên đến 113 doanh nghiệp. Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 197,1 nghìn tỷ đồng, (chiếm 19,6% dư nợ TPDN của toàn thị trường), trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất tiếp tục là nhóm ngành bất động sản với khoảng 70% giá trị chậm trả.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8002924966433856