Thành Phong ·
49 tuần trước
 6808

Có bao nhiêu dự án điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt mua giá tạm thời?

Tính đến ngày 22/5, đã có 17 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất gần 1.280 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời.

Mới thống nhất giá điện tạm thời

Mới đây nhất, Bộ Công Thương có văn bản đối với các dự án gồm nhà máy điện mặt trời tại Trung Nam Thuận Nam ở xã Phước Minh (Thuận Nam) kết hợp với trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối (phần công suất 172 MW chưa được huy động - PV); các nhà máy điện gió VPL Bến Tre, Tân Phú Đông, Lạc Hòa 2, Chơ Long, Yang Trung và Hòa Đông 2.

Cũng theo Bộ Công Thương, dự kiến trong tuần tới sẽ có thêm 6 nhà máy điện đã được chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Như vậy đến nay đã có 37/85 hồ sơ dự án được các chủ đầu tư gửi tới EVN. Vẫn còn 48 nhà máy chưa được nộp hồ sơ đàm phán, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện.

Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được.

Bộ Công Thương cho rằng các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả đàm phán có tín hiệu tích cực

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến ngày 22/5, đã có 17 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất gần 1.280 MW đã được Bộ thống nhất mức giá tạm thời.

Trong số 17 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp được thống nhất mức giá tạp thời... thì có 5 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển.

Trong tuần này, dự kiến sẽ có 4 nhà máy đã được Chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, sau đó sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương...

Giá điện tạm thời đã được EVN và chủ đầu tư các nhà máy điện chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất tại văn bản số 2505/EVN-TTĐ+TCKT và văn bản số 2517/EVN-TTĐ+TCKT, tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 137/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ. EVN và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm về sự hợp lệ, hợp lý đối với giá điện tạm thời của các nhà máy điện chuyển tiếp.

EVN và các chủ đầu tư khẩn trương ký kết hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp theo phương án giá điện tạm thời nêu trên và thỏa thuận, thống nhất giá chính thức theo đúng quy định của pháp luật.

Giá tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá do Bộ Công Thương ban hành. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Trước đó, ngày 10.3, 36 nhà đầu tư có dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh bất cập trong Quyết định 21 và Thông tư 15 của Bộ Công thương về cơ chế giá phát điện.

Các nhà đầu tư bày tỏ quan ngại, nếu cơ chế mới về giá điện do Bộ Công thương được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng số vốn đã đầu tư gần 85.000 tỉ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỉ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Các nhà đầu tư cho rằng, Bộ Công thương ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng, còn bất cập về pháp lý...

Tạ Nhị