Bích Ngọc ·
6 tuần trước
 10089

Có cách nào để chủ thẻ tín dụng biết mình có mắc nợ hay không?

Sau vụ chủ thẻ tín dụng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ, nhiều người dùng thẻ tín dụng cũng hoang mang lo lắng không biết liệu mình có đang mắc nợ hoặc dính nợ xấu ngân hàng hay công ty tài chính gì không.

Thực tế có không ít người từng mở rất nhiều tài khoản ngân hàng qua các năm, đặc biệt là những người trẻ. Thậm chí còn có người không nhớ tài khoản ngân hàng đó đã đóng chưa hay thẻ tín dụng mở năm nào và có phát sinh nợ xấu hay không? 

Các chuyên gia cho biết, để biết mình có mắc nợ ngân hàng hay không, người dùng có thể kiểm tra thông tin tín dụng. Thông tin tín dụng là các thông tin về cá nhân, pháp nhân (khách hàng vay) có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, ở nước ta, các thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước do Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối. CIC thu thập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng từ 100% tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng; báo cáo chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân…

Nếu muốn biết hiện mình có đang bị nợ ngân hàng không, người dùng có thể truy cập vào website của CIC tại https://cic.gov.vn, mục "Hướng dẫn nhanh cách sử dụng Mobile App" hoặc trang Facebook "Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam – CIC", hay tải app CIC - Kết nối nhu cầu vay.

Sau khi truy cập website CIC hoặc tải app, khách hàng đăng ký tài khoản cá nhân, sau khi có tài khoản, khách hàng có thể tra cứu nợ trên CIC.

Về mức phí khai thác báo cáo thông tin tín dụng, theo CIC, khách hàng vay được khai thác miễn phí báo cáo tín dụng của bản thân 1 năm/lần.

Từ lần khai thác thứ 2 trở đi trong năm, đối với báo cáo thông tin tín dụng cá nhân khách hàng vay phải trả phí 20.000 đồng/bản, 50.000 đồng/bản báo cáo thông tin tín dụng doanh nghiệp (chưa bao gồm GTGT).

Diễn biến mới vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ

Theo công văn nhắc nợ của Eximbank AMC, vào năm 2013 anh P.H.A đăng ký mở thẻ tín dụng tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh, sau đó tài khoản thẻ này phát sinh hai giao dịch với tổng trị giá 8,5 triệu đồng. Từ đó đến nay, khách hàng chưa trả nợ, khoản nợ cả gốc và lãi tăng lên tới 8,8 tỷ đồng.

Diễn biến mới nhất, tối hôm qua (ngày 19/3), anh P.H.A cho biết đã cùng luật sư làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Eximbank. Được biết, hai bên mong muốn, thống nhất sẽ phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc.

Luật sư Trương Thanh Đức -  Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, về cơ bản việc xóa nợ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của ngân hàng. Thông thường, sau khi ngân hàng chuyển món nợ thành nợ xấu sẽ phải tìm mọi biện pháp để xử lý như phát mại tài sản (nếu có tài sản đảm bảo), bán nợ, khởi kiện và tất toán, xóa nợ, chứ không để đến 11 năm với một khoản nợ vay tiêu dùng như vậy.

Cũng theo luật sư Đức, nếu để xảy ra vụ việc dai dẳng như thế này, dù nhà băng có thu được nợ thì có khi cái mất sẽ lớn hơn. Kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, dựa trên uy tín và điều quan trọng nhất là biết cách giữ khách.

Luật sư cũng cho hay, trường hợp này có thể Eximbank đã áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc, tính theo từng tháng, nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ đồng là hoàn toàn có thể, nếu lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm.

Mặc dù Bộ Luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%, lãi quá hạn không quá 30%. Tuy vậy, ngành ngân hàng còn chịu sự quản lý bởi luật chuyên ngành do đó các nhà băng hoàn toàn có thể áp dụng lãi suất cao hơn lãi suất trần theo quy định của Bộ Luật Dân sự, thậm chí lãi suất quá hạn có thể lên tới 150% lãi suất thỏa thuận.

Trường hợp không may phát sinh những rắc rối, tranh chấp, kể cả khi không dùng thẻ mà vẫn bị ghi nợ, thì phải nhanh chóng xử lý. Nếu không thỏa thuận được với ngân hàng thì phải khởi kiện hoặc trình báo cho cơ quan chức năng để giải quyết, chứ không nên thờ ơ, bỏ mặc.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7554477757945248/?