Thành Vũ ·
47 tuần trước
 8251

Công bố thanh tra sử dụng đất đai, cấp phép xây dựng ở Hà Nội

Ngày 27/12, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo quyết định 729/QĐ- TTCP, Đoàn Thanh tra có 15 thành viên do ông Phạm Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I), làm Trưởng đoàn.

Đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội gồm công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn một số quận, huyện thuộc TP Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23.9.2019 và Nghị quyết số 116/NQ - CP ngày 6.12.2019 của Chính phủ; Quy hoạch và quản lý, sử dụng đất 20% làm nhà ở xã hội của TP Hà Nội. Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến năm 2022.

Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn tiếp nhận toàn bộ nội dung theo quyết định thanh tra và giao các sở, ngành, UBND huyện có liên quan nghiêm túc phối hợp với đoàn thanh tra để cung cấp hồ sơ, tài liệu khi đoàn có yêu cầu.

Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Ông đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp tốt với đoàn thanh tra, cử cán bộ làm đầu mối thường xuyên liên hệ, cung cấp tài liệu, hồ sơ đầy đủ và kịp thời.

Ảnh minh họa

Với đoàn thanh tra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ yêu cầu chấp hành nghiêm quy chế bảo mật, phát ngôn trong quá trình thanh tra và phải có chương trình làm việc cụ thể gửi các đơn vị được thanh tra.

Ông Huy đề nghị, đoàn thanh tra sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới công việc chuyên môn của các đơn vị được thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cho biết, thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Trước đó, hồi tháng 5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính. Nhiều dự án được điểm tên, “chỉ mặt” phá vỡ quy hoạch của Thủ đô.

Liên quan đến cấp phép cây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành Phố, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có báo cáo tới UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật về việc cấp giấy phép xây dựng, tình hình trật tự xây dựng đối với các loại hình công trình nhà ở như chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ, nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao.

Trong đó, tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, các lực lượng chức năng đã tổng kiểm tra 69.448 công trình, trong đó có 2.611 chung cư, 385 công trình xác định theo nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), 30.298 nhà trọ, 36.154 nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao và hiện đang tiếp tục kiểm tra, rà soát 33.580 công trình.

Kết quả kiểm tra phát hiện 2.294 công trình xây dựng sai phép, 7.326 công trình xây dựng không phép (thời điểm kiểm tra chủ hộ chưa cung cấp được giấy phép xây dựng, hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh làm rõ nên chưa kết luận cụ thể); tổng số công trình sai phép, không phép là 9.620 công trình.

Trong đó, “đội sổ” số công trình không phép là huyện Đông Anh, với 5.795 công trình không phép; 1 công trình sai phép. Tiếp đó là quận Hai Bà Trưng với 855 công trình không phép; 15 công trình sai phép. Nam Từ Liêm là 559 công trình sai phép, 0 công trình không phép. Tây Hồ 260 công trình sai phép; 201 công trình không phép. Hoàn Kiếm là 216 công trình không phép; 28 công trình sai phép. Cầu Giấy 433 công trình sai phép, 0 công trình không phép. Thanh Xuân 353 công trình sai phép; 0 công trình không phép…

Mặc dù số lượng công trình vi phạm lớn là vậy, song theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, các đơn vị mới thiết lập hồ sơ, xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng 156 công trình vi phạm; với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 3 tỷ đồng.

Số tiền phạt và số công trình bị xử lý cũng chỉ tập trung ở 2 quận, huyện là Thanh Xuân và Thạch Thất – 2 địa phương có 2 công trình vi phạm nổi cộm gây bức xúc dư luận là công trình tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh xuân và chung cư My House tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất.

Một số quận huyện khác dù có số lượng công trình vi phạm rất lớn, song báo cáo cho thấy vẫn chưa xử phạt trường hợp nào. Đơn cử như Ba Đình có 268 công trình sai phép, Bắc Từ Liêm 203 công trình, Nam Từ Liêm 559 công trình, Tây Hồ 260 công trình… song báo cáo cho thấy vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7232749100118117/