Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tổng số tiền phạt 250 triệu đồng.
Cụ thể, do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn, Chứng khoán Tiên Phong bị phạt 125 triệu đồng. Trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa TPS và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu.
Có thể thấy, TPS chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
Bên cạnh đó, vì cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng, công ty cũng bị phạt 125 triệu đồng
Chứng Khoán TPS bị xử phạt 250 triệu đồng. Nguồn ảnh: Internet
Quý II/2022, kết quả kinh doanh thua lỗ đậm nhất lịch sử
Kết quả kinh doanh quý II của Chứng khoán TPS gây bất ngờ cho giới đầu tư khi bất ngờ chuyển từ lãi lớn trong quý I sang lỗ đậm trong quý II. Theo báo cáo tài chính công bố, TPS có tổng doanh thu hoạt động trong quý II là 661,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 131,6 %.
Quý II ghi nhận doanh thu cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2021 nhưng TPS vẫn lỗ nặng, chủ yếu là bởi các khoản đầu tư trái phiếu trong kỳ. Cụ thể thì trong quý II/2022, doanh thu thuần từ kinh doanh chứng khoán của TPS đạt 661,7 tỷ đồng. Được biết, lợi nhuận thuần từ kinh doanh chứng khoán ghi nhận âm 161,2 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ các hoạt động mua bán tài sản tài chính. Trong đó có khoản lỗ 135 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chưa niêm yết. Chỉ riêng việc mua bán trái phiếu của CTCP Tập đoàn R&H - một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cũng đã khiến TPS lỗ 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TPS cũng lỗ thêm gần 90 tỷ đồng do hoạt động tự doanh cổ phiếu. Công ty lỗ 24 tỷ đồng vào khoản đầu tư vào cổ phiếu SSI. Nghiệp vụ môi giới chứng khoán mang lại doanh thu không đủ bù chi phí cũng gây lỗ tới gần 6 tỷ đồng. Mảng tư vấn tài chính thu về lợi nhuận 160 tỷ đồng. Kết luận, lợi nhuận trước thuế của đơn vị này đạt 161,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của TPS ghi nhận âm 128,9 tỷ đồng.
Trong quý III năm 2022, doanh thu hoạt động của TPS đạt 550 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 57%. Lợi nhuận sau thuế tăng 137% lên mức 70,5 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của TPS đạt 2.022 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 127%. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% về mức 207 tỷ đồng.
Trước đó, "quả bom" trái phiếu Tân Hoàng Minh hay câu chuyện trái phiếu An Đông nổ ra, từ đó trái phiếu trở thành từ nóng. Các doanh nghiệp cũng thận trọng trong khâu phát hành, cùng với đó nhiều doanh nghiệp đã nhanh tay mua lại những lô trái phiếu lớn phát hành trước đó. Động thái này càng khiến cho các nhà đầu tư để ý nhiều hơn đến kênh trái phiếu. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt với số tiền “khủng”. Để khắc phục và tránh mắc sai phạm, công ty chứng khoán cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp, chất lượng các thành phần trong hồ sơ, đặc biệt là báo cáo tài chính, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành trái phiếu, hồ sơ về tài sản đảm bảo để yêu cầu doanh nghiệp công bố lại thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trước khi phát hành.