Chiến Chiến ·
1 năm trước
 9014

CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) từng nhiều lần bị UBCKNN xử phạt vì lý do gì?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã từng xử phạt nhiều lần CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB Group, HOSE: TTB) vì các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngày 29/01/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Thái Nguyên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với TTB do hành vi “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán”. Sau đó đến ngày 21/02, đã có 4 bị can - đều là cán bộ của TTB - nhận quyết định khởi tố. Cơ quan đang tiếp tục điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.

Báo Thái Nguyên đưa tin, trong số 4 bị can bị khởi tố của TTB có ông Phùng Văn Bộ - Chủ tịch HĐQT TTB, ông Phùng Văn Thái – Tổng Giám đốc, và ông Trần Thanh Hà – Kế toán trưởng.

Ông Phùng Văn Bộ (trái) và ông Phùng Văn Thái. Nguồn ảnh: Internet.

Trong đó, ông Bộ và ông Thái đều là thành viên sáng lập Công ty, từ những ngày đầu đảm nhận các chức vụ quan trọng. Từ năm 2004, ông Hà tham gia công tác tại TTB từ năm 2004.

Được biết, Chủ tịch Phùng Văn Bộ nắm giữ hơn 4.3 triệu cp TTB (tương ứng 4.28% vốn điều lệ), ông Trần Thanh Hà nắm giữ 4.1 triệu cp (tương đương 4.05%). Còn ông Phùng Văn Thái, trong năm 2022 đã thoái sạch gần 6.2 triệu cp TTB (tương đương 12.01% vốn điều lệ).

TTB thay Chủ tịch và Tổng Giám đốc

Cụ thể, TTB sẽ miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Phùng Văn Bộ và chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của ông Phùng Văn Thái.

Bên cạnh đó, Công ty bổ nhiệm bà Phùng Thị Nam vào vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thanh Hưng vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo trên của TTB có hiệu lực từ ngày 27/02/2023.

Được biết, tân Chủ tịch của TTB bà Phùng Thị Nam là em ruột của ông Bộ. Trước đó, bà đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty. Tại thời điểm được bổ nhiệm, bà Nam đang sở hữu 518,403 cp TTB, (tương ứng 0.51% vốn).

Tân Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Thanh Hưng trước khi được bổ nhiệm không phải là nhân viên Công ty và thời điểm được bổ nhiệm ông cũng không sở hữu bất kỳ cổ phiếu TTB nào. Ngoài ra, ông Hưng đang đồng thời là Giám đốc của CTCP Thiết bị xây dựng Việt Pháp.

Từng nhiều lần bị xử phạt, nhân viên dính án tham ô

Được biết, TTB từng bị UBCKNN xử phạt nhiều lần vì vi phạm công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trước đó, vào tháng 12/2021, TTB bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; BCTC bán niên soát xét 2019; thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành ngày 01/12/2020.

Vào tháng 08/2019, TTB cũng bị xử phạt tổng cộng 225 triệu đồng, không những thế còn có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần. Theo quyết định xử phạt, TTB bị phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định, công bố không đúng thời hạn, phạt 85 triệu đồng vì báo cáo nội dung không chính xác đối với giao dịch liên quan đến CTCP Đầu tư Địa ốc Đất vượng; 85 triệu đồng vì không báo cáo tình hình sử dụng vốn từ 3 đợt tăng vốn được kiểm toán theo yêu cầu của UBCKNN.

Vào tháng 12/2014, việc báo cáo không đúng thời hạn cũng là nguyên nhân khiến TTB bị UBCKNN xử phạt vào tháng số tiền 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của TTB từng liên quan đến một vụ việc thao túng thị trường, diễn ra vào cuối tháng 01/2022. Trong đó, 2 cá nhân Dương Thanh Xuân và Nguyễn Thành Nam bị xử phạt mỗi người 600 triệu đồng vì đã sử dụng 102 tài khoản khác nhau để giao dịch, tạo cung cầu giả nhằm thao túng giá cổ phiếu TTB. Thế nhưng 2 cá nhân chỉ bị phạt hành chính mà không bị truy tố trách nhiệm hình sự chưa thu lợi bất hợp pháp từ việc làm này.

Gần đây, TTB còn vướng vào vụ lùm xùm liên quan liên quan đến việc bà Nguyễn Thị Hải Lý – nhân viên Công ty - bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tạm giam để điều tra về việc tham ô 17 tỷ đồng.

Được biết, từ tháng 5 - 11/2021, bà Lý được giao nhiệm vụ thu tiền của khách hàng được Nhà nước hỗ trợ tái định cư tại dự án khu nhà ở xã hội và khu nhà ở thương mại (dự án Green City, phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang). Nhân viên này đã thu tiền của nhiều khách hàng (tổng cộng 17 tỷ đồng) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng không nộp về Công ty mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Bà Lý bị khởi tố hình sự từ ngày 28/12/2022.

Lợi nhuận đi xuống nhiều năm

Từ năm 2016 đến sau khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào năm 2018, TTB có 4 năm liên tiếp đạt kết quả thuận lợi. Thế nhưng từ năm 2020 lợi nhuận của doanh nghiệp bắt đầu đi xuống dần.

Phối cảnh dự án TTB Riverside. Nguồn ảnh: Internet.

TTB kết thúc năm 2022 với mức doanh thu hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, so với 2021 tăng 4%, nhưng lãi ròng chỉ 2.7 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm hơn 60%.

Trên thị trường, từ gần cuối tháng 03/2022 giá cổ phiếu TTB rơi vào xu hướng giảm mạnh. Hiện tại, cổ đông lớn nhất của TTB là CTCP Blue Investments, nắm giữ 5.42% cổ phần( tương đương 5.5 triệu cp).

TTB được thành lập năm 1998, hoạt động trong các lĩnh vực: bất động sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất quả cầu lông tiêu chuẩn thi đấu… Về lĩnh vực bất động sản, TTB là chủ đầu tư của một số dự án phân khúc cao cấp như TTB Riverside (Thái Nguyên), Green City, Lotus Star (Bắc Giang)…