Thế Anh ·
2 năm trước
 1594

Cuộc sống chật vật của những công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương

Rất nhiều mảnh đời túng quẫn vì bị công nhân nợ lương, nhưng câu chuyện về công nhân vệ sinh môi trường tại Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội khiến những người quan tâm ám ảnh thực sự...

Gần đây, câu chuyện về công nhân vệ sinh môi trường Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội bị nợ lương nhiều tháng ròng đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Nhiều công nhân rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn, phải đi vay lãi để xoay sở qua ngày. 

Những cảnh đời túng quẫn vì công ty nợ lương

27 người từng là công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân – hiện đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội, đồng loạt ký vào lá đơn gửi báo chí, trình bày về việc họ bị công ty này nợ lương 5 tháng của năm 2020, đến nay vẫn chưa được thanh toán.

Nguyên văn một phần lá đơn của tập thể công nhân viết như sau: “Do công ty không trúng gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2021 nên công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn còn nợ lương của chúng tôi, tiền lương từ tháng 8/2020 đến hết tháng 12/2020, tổng cộng là 5 tháng. Đến nay đã hết tháng 4/2021 mà công ty vẫn chưa trả. Công nhân chúng tôi đã nhiều lần tới công ty yêu cầu thanh toán tiền lương đang nợ nhưng công ty đều hẹn lại…”

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự. 

Chị Lê Thị Thịnh, 42 tuổi, cũng làm việc tại Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội. Chị cũng bị nợ lương từ tháng 8 đến tháng 12/2020, tổng cộng khoảng 50 triệu. Cả 2 vợ chồng chị Thịnh đều bị nợ lương khiến cho cuộc sống của gia đình vô cùng bấp bênh. 

Bị công ty nợ lương, chị Lê Thị Thịnh phải đi vay lãi để trang trải cuộc sống gia đình

Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) từ năm 2017. Công việc chính của chị là đi quét đường, thu rác khu vực cầu Ngà; thôn Lò, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Sau này, chồng chị cũng vào công ty, hằng ngày cùng vợ đi thu rác.

Công việc vất vả, đồng lương ít ỏi (trên 5 triệu/người/tháng) nhưng cũng đủ để anh chị trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Và thực tế, mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi công ty nợ lương của anh chị suốt từ tháng 8 năm 2020.

“Tôi từng đến công ty nhiều lần. Công ty khất lần khất lượt, tháng này hẹn sang tháng sau. Vợ chồng tôi cứ hy vọng nên cũng gắng gượng làm việc, rồi đi vay tiền để sống. Vay hết người thân quen rồi cực chẳng đã phải đi vay lãi đến bây giờ chưa trả xong nợ”, chị Thịnh nói.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Cành, 48 tuổi, tỏ ra ái ngại khi tiếp PV trong căn nhà tuềnh toàng hình lưỡi cày có diện tích chưa đến 10m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở làng Phú Đô. Vợ chồng chị làm việc tại công ty từ năm 2017, thời điểm công ty trúng thầu thu gom rác thải ở 6 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

“Thời gian đầu, công ty trả đúng hạn nhưng đến năm 2018 thì nợ lương công nhân triền miên. Việc nợ lương kéo dài đến năm 2020, càng về sau, công ty càng nợ nhiều”, chị Cành cho biết. Hiện vợ chồng chị Cành bị công ty nợ lương tổng cộng 11 tháng. Từ năm ngoái đến nay, gia đình phải đi vay tiền họ hàng để trang trải cuộc sống, nuôi 2 đứa con đang tuổi đi học.

Chị cho biết, nhiều lần giáo viên gọi điện nhắc đóng tiền học cho các con mà không có. Chồng chị - anh Ngô Văn Quang bị câm điếc bẩm sinh, vốn hiền lành nhưng vì chuyện tiền nong túng thiếu mà sinh ra ức chế, thỉnh thoảng “đá thúng, đụng nia”, có lần đuổi đánh vợ.

Trong hai đợt dịch Covid-19 năm ngoái, vợ chồng chị Cành được công ty bố trí tăng cường thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại bệnh viện dã chiến (Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm).

Chị Nguyễn Thị Cành và chồng đang bị công ty nợ tổng cộng 11 tháng lương.

Khối lượng công việc nhiều, tiềm ẩn nguy hiểm, họ được công ty hứa hẹn có phụ cấp thêm cho mỗi người vài chục nghìn/ngày. Dù biết là nguy hiểm, dù có lo sợ nhưng vì cuộc sống mưu sinh anh chị vẫn bất chấp để đi làm. Nhưng tất cả các khoản tiền lương, phụ cấp trong từng ấy thời gian đến bây giờ vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Công ty nói gì?

Những ngày qua, công nhân tha thiết mong công ty trả lương còn thiếu, nhưng trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc, người đại diện pháp luật hiện tại của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cho biết “Chúng tôi cũng nhận rất nhiều đơn kiến nghị. Họ còn gửi cả đến các cơ quan chức năng. Cuối năm ngoái nhiều người kiện nhưng không giải quyết được”.

Nghĩa là về phía công ty có nhận được thông tin này, nhưng chính ông Tuấn cũng không giải quyết được việc này. Bởi lẽ tháng 11/2020, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc, người đại diện pháp luật hiện tại của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội và bà Mai Thị Loan đã mua lại 50% cổ phần công ty (mỗi người 25%), tương ứng số tiền 29,5 tỷ đồng, từ bà Cao Thị Thúy An (người giữ 96,9% cố phẩn vào thời điểm đó).

Theo thỏa thuận chuyển nhượng giữa các bên, từ ngày 20/11/2020, ông Trần Quang Tuấn tham gia quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đối với các giao dịch mới phát sinh.

“Trách nhiệm đại diện pháp luật là của chúng tôi, nhưng trong bản thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên có phân định rất rõ ràng, sếp Tuấn (ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc – PV) chịu trách nhiệm các vấn đề phát sinh từ 1/1/2021 trở đi. Sếp mua cổ phần như thế này, đang tập trung cho gói thầu mới, bây giờ cái gì cũng đẩy sang bên này là không đúng”, bà Bích phân trần.

Còn về phía ông Tuấn, ông khẳng định ông không có trách nhiệm đối với các khoản nợ lương công nhân này. “Việc này phải hỏi ông Quân chứ làm sao tôi biết được? Cái nợ từ năm ngoái đúng không? Cái này để cho công an vào làm việc. Tôi tiếp quản công ty, các vấn đề phát sinh từ 1/1/2021 tôi chịu trách nhiệm. Còn tất cả những gì liên quan tồn đọng, nợ nần từ 1/1/2021 trở về trước do ông Cao Xuân Quân chịu trách nhiệm. Năm ngoái, tôi đã bỏ bao nhiêu tiền ra cho ông ấy rồi. Tôi hoàn toàn hợp tác, nhưng tiền đâu tôi bỏ mãi như thế được” - Ông Tuấn cho hay. 

Vị giám đốc nói thêm: “Ngày xưa công ty này là Minh Quân (Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân – PV), tôi tiếp quản rồi chuyển tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội. Một năm ông Quân thay bao nhiêu đời giám đốc. Về pháp lý bây giờ là ông ấy chẳng dính líu gì cả".

Như vậy, với những câu trả lời của vị giám đốc kể trên, hẳn ngày được thanh toán đầy đủ lương là ngày nào, thì công nhân vệ sinh môi trường tại Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội vẫn còn mơ hồ chưa rõ...