Cụ thể, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/60 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
Có 14 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 686,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án NLTT chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt khoảng 115 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
20 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Hiện vẫn còn 13 dự án với tổng công suất 802,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Tình hình thực hiện thủ tục 85 dự án NLTT chuyển tiếp.
Tình hình thực hiện COD của 60 dự án NLTT chuyển tiếp đã đề xuất giá tạm.
Về tình hình cung ứng điện, trong tháng 7 này miền Bắc tiếp tục ở trong giai đoạn nắng nóng cao điểm nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Công suất đỉnh và sản lượng điện tiêu thụ đều đạt cao nhất từ đầu năm đến nay. Sản lượng trung bình ngày của toàn quốc cũng ghi nhận cao nhất kể từ đầu năm. Việc cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân được đảm bảo.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 7- 13/7, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, phụ tải miền Bắc ghi nhận mức công suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay là 23.094MW và 465,9 triệu kWh.
Về phụ tải toàn quốc, sản lượng trung bình ngày đạt 920,7 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 39,9 triệu kWh; công suất cực đại trong tuần đạt 45.474MW, cao nhất từ đầu năm đến nay, và cao hơn 1.723MW so với tuần trước.
Tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả điện nhập khẩu trong thời gian này đạt 6,129 tỷ kWh, tăng 3,59% so với tuần trước; trung bình ngày đạt 875,6 triệu kWh.
Tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống quốc gia lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 13/7/2023 đạt 147,024 tỷ kWh, cao hơn 1,35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 51,68% so với kế hoạch năm.
Từ ngày 7-13/7, sản lượng phát của thuỷ điện tiếp tục tăng mạnh do nước về các hồ đã được cải thiện; trong đó, các hồ ở miền Bắc đã vào thời kỳ lũ chính vụ nên lưu lượng nước về hồ tăng so với tuần trước. Các hồ bậc thang đã phối hợp vận hành để tận dung tối ưu cột nước phát điện. Cụ thể, sản lượng điện phát của thuỷ điện đạt 1.682,6 triệu kWh, chiếm 27,5% tổng sản lượng nguồn phát và tăng 24% so với tuần trước.
Nhiệt điện than đạt 2.990,7 triệu kWh, chiếm 48,8% tổng nguồn phát và tăng 3,3% so với tuần trước. Tình hình cung cấp than, khí cho phát điện được đảm bảo.
Về năng lượng tái tạo, tổng sản lượng điện gió đạt 84,4 triệu kWh, chiếm 1,4% tổng nguồn phát; điện mặt trời mặt đất đạt 339,8 triệu kWh, chiếm 5,5%; điện mặt trời mái nhà đạt 284,2 triệu kWh, chiếm 4,6%.
Lưới điện 500/220/110 kV vận hành an toàn, ổn định, không xảy ra sự cố gây ngừng giảm cung cấp điện.
Dự báo từ ngày 15-21/7, khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to, nền nhiệt ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn so với tuần trước. Do đó nhu cầu phụ tải hệ thống điện quốc gia được dự báo thấp.
Việc huy động các nguồn điện sẽ được thực hiện hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải. Cụ thể, các nhà máy thuỷ điện trong tuần tới sẽ được khai thác theo tình hình thuỷ văn thực tế và định hướng tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 7/2023, đáp ứng ràng buộc lưới điện, nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ. Các nhà máy nhiệt điện than, dự kiến huy động theo nhu cầu hệ thống và sản lượng điện cam kết (nếu có); đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện và chất lượng điện áp.
Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6646645942061772/