Thông tin từ EVN, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 59/62 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 3/8/2023 đạt khoảng 234,9 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
21 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Hiện còn 6 dự án điện tái tạo với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Về tình hình cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đảm bảo cơ bản các nguồn điện.
Cụ thể, Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong 3 tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện được đảm bảo (phụ tải tăng trưởng âm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng cao).
Bước sang tháng 4, tình hình vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh chóng: phụ tải tăng cao; lưu lượng nước về các hồ giảm thấp; các nguồn nhiệt điện than bị sự cố nhiều, một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than, một số nguồn nhiệt điện than miền Nam ngừng dự phòng, dẫn đến, mực nước thượng lưu các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn miền Bắc bị sụt giảm.
Nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc để đảm bảo an ninh cung ứng điện.
Trong tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra thực địa và ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, khắc phục sự cố dài ngày cũng như sự cố ngắn ngày.
Bằng sự nỗ lực và chung tay của các bên, tình hình khắc phục sự cố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo tính toán cập nhật phương thức vận hành hệ thống điện tháng 8/2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (8-12) ước đạt 121,8 tỷ kWh, tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 282,6 tỷ kWh, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,4% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Bộ Công Thương nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp v.v… phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác.
Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6708638705862495/