Ảnh minh họa.
Những kết quả và ưu điểm
Hệ thống chính sách về quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa/túi ni lông nói riêng ngày càng được hoàn thiện; chính sách quản lý rác thải nhựa được tăng cường, đặc biệt là trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Công tác quản lý rác thải nói chung đã được đề cập trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong các văn bản pháp luật. Chính sách về quản lý rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra đã được thể hiện trong Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương,...
Các quy định pháp luật về quản lý rác thải nhựa trong đó có vi nhựa được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) cũng đã được sửa đổi với việc bổ sung các loại bao bì nhựa. Bên cạnh đó, Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 đã ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy (thuế bảo vệ môi trường), hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng túi thân thiện môi trường như miễn thuế bảo vệ môi trường, hỗ trợ vốn cho cơ sở sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường, ...
Vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi nhựa bước đầu đã được quan tâm và thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và một số văn bản như Chỉ thị số 33/CT-TTg, Quyết định số 1746/QĐ-TTg và quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Vấn đề quản lý ô nhiễm vi nhựa đã được đề cập tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị 33/CT-TTg, Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất để phù hợp với chính sách của các quốc gia trên thế giới đang hướng tới kiểm soát hoạt động sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ các sản phẩm chứa vi nhựa. Đó có thể là các quy định cấm sử dụng sản phẩm chứa vi nhựa, hoặc các cơ chế khuyến khích sử dụng, tiêu dùng sản phẩm không chứa vi nhựa, hoặc đánh thuế vào hàng hóa phát sinh nhiều vi nhựa.
Các khoảng trống, bất cập, hạn chế
Việc quản lý chất thải vi nhựa ở Việt Nam đang tồn tại khoảng trống trong hiểu biết và chính sách pháp luật về quản lý ô nhiễm vi nhựa từ các nguồn sơ cấp. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có các quy định pháp luật cụ thể về quản lý rác thải vi nhựa và còn thiếu các nghiên cứu sâu và quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát vi nhựa trong các sản phẩm, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, ...
Đối với chính sách pháp luật về quản lý rác thải, vi nhựa chưa được quy định và hướng dẫn quản lý chi tiết, cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Mặc dù chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đang ngày càng hoàn thiện, việc triển khai thực thi trên thực tế còn nhiều vướng mắc, bất cập. Chưa có quy định về giảm rác thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; việc phân loại rác thải chưa được triển khai thực hiện; việc tái chế rác thải nhựa chưa được triển khai một cách chính thức, chủ yếu vẫn do khu vực phi chính thức thực hiện.
Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý rác thải nhựa vẫn chưa đầy đủ và chưa được thực thi triệt để. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 hiện các văn bản hướng dẫn đang được xây dựng.
Cho đến thời điểm đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn vẫn được áp dụng. Hiện đang còn thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý rác thải rắn; thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm tái chế. Còn thiếu các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng rác thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý rác thải; thiếu hướng dẫn triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý, số dự án xử lý chất thải rắn (CTR) được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi rất ít; thiếu cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTR, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý CTR.
Về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, việc thu hồi các sản phẩm trong danh mục thuộc Quyết định 16/QĐ-TTg gần như chưa được triển khai trên thực tế. Nhiều công ty đã thiết lập các điểm thu hồi như LG, Toyota, Ford, Honda, Apple, Canon, Toshiba, Dell, HP, tuy nhiên mới mang tính hình thức. Thực tế, hoạt động thu gom các sản phẩm thải bỏ có giá trị trong đó có thành phần nhựa đã được thực hiện một cách phi chính thức ở Việt Nam. Các sản phẩm này được thu gom và chuyển về tái chế ở các làng nghề. Hoạt động này tương đối phát triển do việc tái chế mang lại những lợi ích về mặt kinh tế nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do công nghệ tái chế lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém.