Minh Anh ·
47 tuần trước
 7975

Đánh thức nội lực kinh tế biển miền Trung

Vùng biển miền Trung bao gồm vùng biển của 14 tỉnh, thành phố trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% tổng số tỉnh, thành phố có biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố); là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế.

Giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển

Vùng biển miền Trung chiếm phần lớn diện tích vùng biển ven bờ Tây và phần trung tâm Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là một trong những vùng biển giàu san hô nhất trong Biển Đông - một nhân tố đóng vai trò quyết định đối với đa dạng sinh học và phát triển nghề cá, là nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. Biển miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển ngành kinh tế đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Do địa hình thềm lục địa có độ dốc lớn và sâu, các dòng chảy biển khơi “bị ép” vào gần bờ nên có nhiều loài cá nổi lớn vào theo, như cá ngừ sọc dừa, ngừ chấm bò, ngừ chấm, ngừ vằn, cá cờ, nhám, nục đỏ đuôi... mà trong môi trường sinh thái biển ven bờ không thể có.

Biển miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển ngành kinh tế đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.

Biển miền Trung có địa hình đa dạng, nhiều bãi biển đẹp với rất nhiều đảo, vũng, vịnh, đầm phá hoang sơ, tạo nên lợi thế lớn về phát triển du lịch biển, đảo. Các điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam, như vịnh Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bãi biển Non Nước (thành phố Đà Nẵng), đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), biển Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận), bãi biển Mũi Né (tỉnh Bình Thuận)… hằng năm thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Đặc trưng của vùng ven biển miền Trung là dải đồng bằng cát ven biển trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Thêm vào đó là các dãy cồn cát trắng trên nền đồng bằng cát ven biển, tạo nên một cảnh quan vô cùng độc đáo. Cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các tỉnh ven biển miền Trung còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, lễ hội dân gian, các giá trị văn hóa biển được ghi dấu, lưu giữ trong các tư liệu sinh hoạt và lễ hội độc đáo liên quan đến biển của ngư dân, được thể hiện đậm nét trong đời sống vật chất, tinh thần và sinh hoạt văn hóa. Điều này làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch vùng biển miền Trung.

Vùng biển miền Trung có tiềm năng lớn về khai thác, chế biến dầu, khí, chiếm 4/7 bồn trũng có tiềm năng dầu khí ở Việt Nam. Khu vực này hiện đang có những công trình dầu khí lớn nhất cả nước, như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tại khu vực mỏ khí Cá Voi Xanh, các mỏ khí đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác nhằm cung cấp, bảo đảm sản lượng khí cho Trung tâm Điện lực miền Trung (Khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất), bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đây là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam; bổ sung nguồn năng lượng cho miền Nam sau này, tạo đà cho phát triển công nghiệp hóa dầu Việt Nam.

Với vị trí địa lý quan trọng, là cửa mở thông thương ra biển, có nhiều vịnh, vũng sâu, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng biển nước sâu, các cảng trung chuyển quy mô lớn, như ở Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Vịnh Hàn (thành phố Đà Nẵng), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Vân Phong, vịnh Nha Trang, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)..., việc được phê duyệt xây dựng hàng loạt cảng nước sâu những năm gần đây đã chứng minh vị thế chiến lược của biển miền Trung trong phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Các đảo ở miền Trung hiện nay chiếm 9% trong tổng số 2.773 hòn đảo của cả nước, với diện tích khoảng 10,8% tổng diện tích các đảo ven bờ Việt Nam. Về mặt hành chính, miền Trung có 5 huyện đảo, ngoài 2 huyện đảo xa bờ (Hoàng Sa và Trường Sa), còn có 3 huyện đảo ven bờ: huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận. Các đảo thuộc vùng biển miền Trung phần lớn là các đảo nhỏ, nhưng do vị trí không gian và cách sắp xếp rất đặc biệt, các cụm đảo - biển ven bờ kết thành tấm bình phong án ngữ mặt tiền phía Đông của đất nước. Mỗi hòn đảo không chỉ là một tiền đồn vững chắc, một “cột mốc chủ quyền” trong bảo vệ an ninh, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn tạo ra một lợi thế phát triển quan trọng cho các tỉnh miền Trung từ góc nhìn về tính liên kết vùng, miền.

Các đảo ven bờ là nơi có rất nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn, cùng với hệ sinh thái trên đảo - nơi có nhiều giá trị danh thắng, văn hóa - khảo cổ biển, tạo nên các giá trị bảo tồn thiên nhiên - văn hóa đầy tiềm năng. Vùng biển miền Trung có tới 10/16 khu bảo tồn biển của cả nước, ven biển còn có các khu di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, các vịnh đẹp và khu dự trữ sinh quyển toàn cầu, là cơ sở cho sự phát triển bền vững kinh tế biển.

Đánh thức tiềm năng

Với những tiềm năng nêu trên, vùng biển miền Trung đang có lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển bền vững, tạo tiền đề cho sự bứt phá về kinh tế - xã hội toàn vùng. Phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thách thức, thay đổi tư duy và tầm nhìn, đổi mới cơ chế, chính sách và cách thức tiếp cận, vùng ven biển miền Trung được kỳ vọng sẽ có một diện mạo mới trong tương lai.

Liên quan đến chủ đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói, "Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi định kiến du lịch đi đến đâu, thủy sản lùi tới đó. Giờ đã khác, du lịch và nuôi trồng thủy sản có thể hỗ trợ lẫn nhau, qua các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách. Để đạt được mục tiêu này, các tàu dịch vụ nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần trên các đảo cần được nâng cao hiệu quả, các trung tâm nghề cá phải tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Các cảng cá không còn chỉ tiếp nhận tàu cá mà phải được vận hành theo hướng đa chức năng, kết hợp du lịch, kiến tạo không gian cộng đồng cung cấp kiến thức về bảo tồn biển, đại dương…", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ở một góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cần tập trung phát triển một nền kinh tế biển xanh, mở cửa hướng ra biển, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn như: du lịch biển, hàng hải, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học biển... Phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị tại vùng này theo mô hình kinh tế tuần hoàn để kết nối hệ sinh thái kinh tế năng lượng xanh - sản xuất xanh và hệ thống cảng biển để đi đầu trong chuyển đổi xanh, hội nhập xu thế của thời đại giúp các sản phẩm vượt qua các rào cản khắt khe về môi trường và tiêu chuẩn carbon, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập thị trường các nước phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để phát triển kinh tế biển, miền Trung cần tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản, cơ cấu lại nghề, cơ cấu lại lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và năng lực từng hộ gia đình. Khuyến khích phát triển nuôi hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển thân thiện môi trường.