Thành Phong ·
26 tuần trước
 8936

Đấu giá cao “bất thường” 3 mỏ cát tại Hà Nội: Chuyên gia nói gì?

Nhắc đến câu chuyện đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội mới đây với mức chênh giá trúng so với giá khởi điểm vài trăm lần, các chuyên gia cho rằng cần rà soát lại quy định trong đấu giá để đảm bảo tính minh bạch.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội cho biết sở này đang rà soát báo cáo UBND TP Hà Nội để thành phố tổng hợp, báo cáo Thủ tướng vụ đấu giá 3 mỏ cát trị giá gần 1.700 tỉ đồng. Hiện các doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện quy trình, nghĩa vụ tài chính sau đấu giá.

Trước đó, Sở TN-MT Hà Nội tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 3 mỏ cát: Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì), Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá từ 9 giờ ngày 5 đến gần 6 giờ sáng 6/11.

Tổng số tiền giá khởi điểm chưa đến 24 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư trúng đấu giá của 3 mỏ cát này là khoảng 1.684 tỉ đồng, đặt cọc khoảng 3,5 tỉ đồng. Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho biết "quá bất ngờ" về kết quả đấu giá. Nhiều người cho rằng có bất thường vì các doanh nghiệp trả giá quá cao so giá khởi điểm.

Ảnh minh họa.

Có thể xác định giá khởi điểm chưa chính xác

Thông tin về việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội mới đây, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Đây không phải vụ đấu giá cát sông đầu tiên có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Những trường hợp tương tự vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Chẳng hạn, tháng 4/2021, An Giang tổ chức đấu giá mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Với trữ lượng 2,37 triệu m3, giá trúng cao hơn 390 lần giá khởi điểm, khiến Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh lúc bấy giờ phải đánh giá là "quá bất thường".

Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sẵn sàng đấu quyền khai thác các mỏ cát với giá gấp hàng chục, thậm chí hơn 200 lần giá khởi điểm, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng cần xem lại công tác đấu giá cũng như chế tài quản lý khai thác cát hiện hành ở ta có đủ hiệu lực hay chưa.

Đầu tiên, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, sự yếu kém trong định giá, và việc quản lý khai thác thiếu hiệu quả đã làm cho đấu giá "mất thiêng".

Đấu giá khai thác tài nguyên thiên nhiên là cơ chế đúng đắn, phù hợp với nguyên tắc thị trường, nhưng phụ thuộc vào ba vấn đề trọng yếu: một là "định giá khởi điểm có chính xác không?", hai là "hiệu lực quản lý khai thác có cao không?", và ba là "quy trình đấu giá có đầy đủ không?", Giáo sư Đặng Hùng Võ đánh giá.

Bên cạnh vấn đề định giá và quy trình tổ chức đấu giá, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, “mấu chốt” của câu chuyện giá trúng đấu giá quyền khai thác cát cao bất thường vừa qua là việc các doanh nghiệp có thể đang nhắm đến “lá bùa” chính là những tờ giấy phép.

Theo đó, nạn “cát tặc” trước nay vẫn hoành hành ở nhiều địa phương, không có giấy phép thì các đối tượng vẫn khai thác trộm, hủy hoại hệ sinh thái nhiều dòng sông, gây ra những cơn giận dữ của cư dân các vùng quê. Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, hình thức trộm cát trắng trợn như trên hiện nay đã giảm mạnh ở những địa phương siết chặt quản lý.

Phương cách mới dần hình thành là cố xin được giấy phép khai thác rồi lợi dụng hoàn cảnh khai thác ngầm dưới nước để hút cát liên tục đêm ngày, hút cả ngoài chỗ được phép. Cát khai thác được nhiều hơn trữ lượng trên giấy phép rất nhiều lần, nên dù giá trúng đấu giá có cao mấy vẫn có thể lãi to. Cái chốt của vấn đề là xin được giấy phép khai thác, rồi lách qua khe cửa hẹp mang tên quản lý yếu kém để kiếm lợi lớn. Vì không quản lý được chính xác vùng khai thác, không quản lý được lượng cát đã khai thác nên mới tạo thành khe trống mà kẻ tư lợi lách qua được - Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.

Đảm bảo minh bạch trong đấu giá

Thảo luận về luật Đấu giá tài sản công chiều 8/11, đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn ra ví dụ về việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, giá khởi điểm ban đầu là 24 tỉ đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá là 1.684 tỉ đồng, tăng tới 204 lần.

Theo đại biểu Hoàng Văn Liên, mức chênh như vậy là quá cao, cho thấy việc xác định giá khởi điểm chưa chính xác, phù hợp với thị trường. Cần rà soát lại quy định, chế tài đấu giá của chúng ta đã đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người có tài sản, chống trục lợi hay chưa?

Cụ thể, góp ý cho dự thảo luật, đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng cần rà soát lại các quy định về giá khởi điểm. Theo quy định, có 15 loại tài sản đưa ra đấu giá, người có tài sản tự xác định giá hoặc ủy quyền cho cơ quan đấu giá xác định giá. Nhưng cả 2 quy định này xác định giá khởi điểm chưa thực sự cụ thể, do đó, ông đề nghị phải rà soát lại để quy định cho chính xác.

Đồng thời, phải có quy định để ràng buộc các quy định của cơ quan, tổ chức có liên quan, xác định mức giá khởi điểm cơ bản phù hợp với giá thị trường, đảm bảo quyền lợi Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Đại biểu cũng đề xuất về giá khởi điểm phải quy định một số nguyên tắc chung, sau đó Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Đặc biệt, cần bổ sung chế tài đủ mạnh và sát với tình hình. Về các hành vi bị cấm, luật hiện hành quy định 5 đối tượng với đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá, hội đồng bán đấu giá, người có tài sản và người tham gia đấu giá.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị cần bổ sung quy định và chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý từ chối kết quả. Theo ông, quy định của luật hiện hành (điều 9, điều 51 luật Đấu giá tài sản) chưa quy định vấn đề này.

Điều này dẫn đến hàng loạt các trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động đến thị trường sau đó bỏ kết quả đấu giá như các vụ việc đấu giá đất của Tân Hoàng Minh, đấu giá biển số xe vừa qua, đại biểu Phước nói

Ông cũng đề nghị xem xét nâng mức tiền đặt trước từ mức tối thiểu là 20% và tối đa là 50% giá trị tài sản đấu giá vì khung số tiền đặt trước như dự thảo luật đang quy định là quá thấp. Đồng thời, cần mở rộng tỷ lệ phạt đấu giá, quy định thời gian người trúng đấu giá phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) phân tích, quy định tiền cọc hiện nay thấp nên ở những vụ đấu giá đất Thủ Thiêm hay đấu giá biển số xe thì giá trị tiền cọc rất nhỏ so với tiền trúng đấu giá.

Có những hợp đồng trúng đấu giá cao, sau này họ bỏ cọc, không mua tài sản trúng đấu giá. Điều này không những gây ảnh hưởng đến công tác đấu giá, mà còn gây tác động không lường đến tình hình kinh tế - xã hội.

Song, ông Hiếu cũng băn khoăn, nếu nâng tỷ lệ tiền cọc lên quá cao thì "cũng rất bất cập", vì vô hình trung lại tạo thành hàng rào cản trở người tham gia đấu giá. Ông đề nghị bổ sung hình thức phạt hợp đồng. Trong trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, không thực hiện hợp đồng mua tài sản khi đã trúng đấu giá thì phạt 30 - 50% giá trị tài sản trúng đấu giá.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7069851736407855