Thanh Tâm ·
47 tuần trước
 6817

ĐBQH: Đề nghị tăng mức, mở rộng đối tượng được giảm thuế VAT

ĐBQH đề nghị Chính phủ cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT, cũng như cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để "khoan" sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đề xuất giảm từ 3-4%

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tô Thị Ánh Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận, bởi việc giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) phát biểu thảo luận.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Việc xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn sẽ khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh... Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài.

Đã là khó khăn chungnên mọi lĩnh vực cũng cần chia sẻ

Theo GS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đà tăng trưởng suy giảm, chúng ta cần chính sách tài khóa mở rộng. Các ngành nghề, lĩnh vực đều kết nối nhau. Vì vậy, chọn cái gì dễ quản lý, dễ làm mới hiệu quả. Cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn.

Ông Ngân phân tích, ba năm qua, doanh nghiệp khó khăn liên tiếp. Giờ chính sách cần phải bình tĩnh để giải quyết "căn cơ" các thách thức và giải bài toán một cách tổng thể. Vì vậy, "không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác", ông Ngân ví von.

Đồng tình, ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, việc giảm thuế VAT sẽ tạo thành động lực, cú hích cho tiêu dùng của người dân. "Nếu giảm được, thì mặt hàng nào đã 10% giảm xuống 8%, không nên phân biệt, loại trừ một số mặt hàng này kia. Như vậy sẽ có tính đồng bộ, tạo ra tính toàn diện trong chính sách tài khóa".

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Hà Nội.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Hà Nội nhấn mạnh giảm thuế đồng bộ sẽ gỡ nút thắt của nền kinh tế. Bối cảnh khó khăn, các loại hình kinh doanh có sự đan xen, chồng chéo và liên đới với nhau nên việc giảm với mặt hàng, lĩnh vực này mà không giảm đối với mặt hàng kia gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là hiện nay các doanh nghiệp đã và đang hoạt động đa ngành, có mua bán, công nợ nhiều mặt hàng, doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau.

"Cần giảm 2% thuế GTGT với tất cả mặt hàng. Mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này" - ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng cho rằng không nên loại trừ các lĩnh vực khi giảm thuế VAT, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất cần mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khoáng sản, không kể khai thác than (than cấp, dầu mỏ tinh chế), sản phẩm hóa chất và sản phẩm hàng hóa và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng nên không loại trừ.

Trước đó, trong phiên làm việc chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Theo báo cáo của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Do vậy, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.