Gia Bảo ·
1 năm trước
 7325

ĐBSCL: Tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư FDI

Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều chủ trương, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển ổn định, bền vững.

Với địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, nước ngọt quanh năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng đất trù phú nhất trong khu vực ASEAN. Nơi đây đang có lợi thế thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành, bao gồm: lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng. Đặc biệt, cụm ngành năng lượng tái tạo có thể tạo bước đột phá trong thu hút vốn FDI cho vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng ĐBSCL dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư thông qua các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng.

Kết cấu hạ tầng là bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL.

Đơn cử như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối đến cảng Trần Đề) thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, theo như dự kiến, tháng 6 năm nay, dự án này sẽ được khởi công xây dựng. Cùng với đó là tuyến cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá, dài gần 100km cũng đã được tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính phủ cho đầu tư sớm hơn dự kiến.

Hay như cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, theo kế hoạch trong năm nay tuyến cao tốc này sẽ được đưa vào sử dụng. Dự án cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi cũng sẽ được nâng cấp trước năm 2024. Như vậy, nếu các tuyến cao tốc đã đang và sẽ đầu tư được đưa vào sử dụng thì khu vực ĐBSCL sẽ có gần 600km đường bộ cao tốc.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, do khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối đi lại khó khăn nên trong nhiều năm qua các địa phương từ Sóc Trăng đến Cà Mau chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Việc Chính phủ tập trung nhiều nguồn lực trong nhiệm kỳ này để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chính là cú hích, cơ hội để vùng ĐBSCL bức phá, vươn lên.

Để các doanh nghiệp FDI phát triển ổn định, bền vững các tỉnh, thành tại ĐBSCL đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tập phát triển sản xuất kinh doanh.

Như tại tỉnh Long An, nhiều năm qua, tỉnh này luôn tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ giai đoạn tìm hiểu môi trường đầu tư đến khi triển khai thực hiện dự án. Đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, mang lại giá trị gia tăng cho tỉnh, có công nghệ máy móc từ tiên tiến trở lên, ít tác động đến môi trường sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng một ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Đồng thời, tỉnh Long An đang thúc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư triển khai dự án. Qua đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và kết nối các khu, cụm công nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, trong năm 2023, tỉnh xem xét nâng cấp cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh để có năng lực thuyết trình, mời gọi, tư vấn các nhà đầu tư lớn trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, nhất quán và thông suốt với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong thủ tục cấp phép đầu tư. Các ngành, các cấp của tỉnh nghiêm túc thực hiện theo tinh thần “Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đây cũng là thông điệp của Long An trong năm nay, với phương châm “nói đi đôi với làm”.

Tương tự, tại thủ phủ ĐBSCL, ngoài việc quan tâm tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, TP.Cần Thơ tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh khác nhau.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Cần Thơ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, kiến tạo môi trường thông thoáng, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền Cần Thơ cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, thực hiện đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Nhận định về tiềm năng cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL.

"Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, con người hiền hòa, mến khách, ĐBSCL có sẵn lợi thế về địa lợi, nhân hòa. Vùng này đang có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ các vùng miền khác và kể cả làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia lân cận, ĐBSCL đã có thêm yếu tố "thiên thời", đây là những điều kiện cần và đủ để vùng này trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong thời gian tới", Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành nhận định.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài tính đến 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt gần 441,31 tỷ USD với 36.458 dự án còn hiệu lực.

Vốn thực hiện ước đạt gần 275,35 tỷ USD, bằng gần 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Riêng khu vực ĐBSCL có 1.884 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 35 tỷ USD.