Ngọc Lan ·
1 năm trước
 9903

Đề xuất gỡ vướng pháp lý cho dự án bất động sản

Các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, vướng mắc về pháp lý của các dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ.

Sức nóng của Hội nghị "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" sáng nay (17/2) đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản suốt 1 tuần qua. Vấn đề tháo gỡ pháp lý là câu chuyện được quan tâm nhiều nhất, bên cạnh vấn đề vốn, trái phiếu doanh nghiệp.

Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn doanh nghiệp bất động sản. Tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu từ Sở Xây dựng, trong tổng số 700 dự án đang triển khai, hơn 116 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội bị vướng thủ tục pháp lý…, nhiều dự án kéo dài nhiều năm qua.

Các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, đặc biệt sau hội nghị sáng nay, vướng mắc về pháp lý sẽ được tháo gỡ, nhằm tăng cung cho thị trường, từ đó có thể giúp giá nhà hạ nhiệt dần.

Là doanh nghiệp đi đầu trong việc xây dựng nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh với 2 dự án đang đăng ký triển khai, doanh nghiệp cho biết, ách tắc thủ tục quá lâu đã khiến doanh nghiệp không thể triển khai hoàn thiện các dự án, khiến chi phí tăng từng ngày.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nếu giải quyết được vướng mắc pháp lý, nguồn cung bất động sản ra thị trường sẽ tăng lên, giá cả sẽ giảm xuống. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

"Chúng ta vẫn chưa thấy tiêu chuẩn riêng hay quy trình pháp lý riêng để xin nhà ở xã hội mà hiện nay chúng tôi xin nhà ở xã hội theo quy trình nhà ở thương mại. Chúng ta phải hiểu rằng một dự án nhà ở xã hội lời 10% đó, nhưng thủ tục xin kéo dài hơn 3 năm, thời gian xây dựng hơn 2 năm. Vậy cộng lại 5 năm, 5 năm mà lời 10% thì 1 năm lời 2% số tiền họ bỏ ra", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, cho biết.

Các chuyên gia nhận định, hiện có nhiều điểm vướng trong quá trình làm thủ tục đầu tư dự án như: chấp nhận chủ trương đầu tư, đánh giá phù hợp quy hoạch, giải phóng mặt bằng… khiến thời gian kéo dài hàng năm trời.

Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng là cần rút ngắn thời gian cấp phép dự án, để doanh nghiệp chủ động phương án tài chính trước những biến động thị trường như giá vật liệu xây dựng tăng trong thời gian qua.

"Chúng ta cần phải tháo gỡ về chồng chéo như chọn chủ đầu tư, tháo gỡ về việc giao đất, liên quan đến sở hữu. Đặc biệt liên quan đến vấn đề khi chúng tôi nghiên cứu về năm cho vay để tái cấp vốn, đối tượng thì những việc đó chúng ta phải rút kinh nghiệm", ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nếu giải quyết được vướng mắc pháp lý, nguồn cung bất động sản ra thị trường sẽ tăng lên, giá cả sẽ giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận được nhà ở. Giải quyết được vấn đề pháp lý cũng sẽ giải quyết được cả vấn đề tín dụng.