Văn phòng Chính phủ đã gửi công điện mời họp đến Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Công an, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội...
Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản TP HCM; các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng lớn như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP Invest, Hòa Bình, Contecon; 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV; 2 ngân hàng tư nhân là Techcombank, VP Bank.
Tham dự hội nghị còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản và các chuyên gia: TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; GS - TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân; TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 là gần 1.200 doanh nghiệp tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn của thị trường bất động sản có nút thắt vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn…
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tổ chức một hội nghị để ghi nhận các khó khăn về dòng vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Tại hội nghị này, hàng loạt kiến nghị đã được doanh nghiệp gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung vào các nhóm giải pháp như giãn nợ, giảm lãi suất, hướng dẫn tín dụng riêng đối với phát triển khu đô thị xây dựng cơ chế vốn cho nhà ở xã hội...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tín dụng cho doanh nghiệp và coi đây là "nút thắt cần gỡ để khơi thông cho các thị trường khác liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp".
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, tại Công điện 1164/CĐ-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Cùng với đó, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cuối năm 2022, Chính phủ cũng đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành. Ngay sau đó, Tổ công tác đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe và tìm hướng xử lý khó khăn cho các đơn vị.