Nhiều thành viên thị trường kỳ vọng đây là thay đổi tích cực giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đã trầm lắng lâu.
Ước tính quý II - III/2023, khoảng 150.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng tiền, việc tham gia mua lại các trái phiếu doanh nghiệp trước nhu cầu bán lại lớn của trái chủ sẽ là hỗ trợ lớn. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các sửa đổi sẽ cần căn cơ hơn nữa.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 có điều khoản cho phép ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động, tức là ngắn hạn dưới 1 năm, nhưng theo giới phân tích doanh nghiệp rất ít khi phát hành trái phiếu với kỳ hạn ngắn như vậy, thông thường từ 5 - 10 năm.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
"Tôi thấy có mâu thuẫn ở đây, đã là trái phiếu thì thời hạn của nó phải trung hạn, tức là trên 1 năm. Với việc mua lại chỉ để bổ sung vào vốn lưu động thì e là không nhất quán. Cái hay của thị trường chứng khoán là làm cho dòng vốn trung dài hạn thành vốn ngắn hạn và nó luân chuyển liên tục từ nhà đầu tư A sang B sang C sang ngân hàng sang nhà đầu tư M", ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, đánh giá.
Quy định tổ chức tín dụng vẫn không được mua trái phiếu doanh nghiệp nếu phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Theo chuyên gia, điều này sẽ hạn chế hoạt động tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua về trái phiếu doanh nghiệp.
"Ví dụ ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà nó phát sinh thành nợ xấu thì chúng ta có quy định về việc tái cơ cấu khoản nợ xấu đấy. Chúng ta không cần thiết phải quy định riêng thành một điều mục trong khoản mục mua lại trái phiếu", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest, cho biết.
Đại diện doanh nghiệp bất động sản cũng đang kiến nghị hiệu lực của việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp cần kéo dài đến hết năm 2024 thay vì chỉ hết năm 2023 như dự thảo sửa đổi vì điểm rơi đáo hạn không chỉ nằm trong năm nay.
"Trong 2 năm 2023 - 2024 tổng giá trị trái phiếu đến hạn về bất động sản có thể lên đến 230.000 tỷ đồng, cho nên chúng tôi đề nghị tạm ngưng thực hiện điểm a, khoản 8, điều 4, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước đến hết ngày 32/12/2024 để các doanh nghiệp có điều kiện đàm phán với các trái chủ về vấn đề xử lý trái phiếu đến hạn theo tinh thần, quy định của Nghị định 08", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho hay.