Minh Anh ·
35 tuần trước
 8836

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ: Khai thác giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, việc đẩy mạnh khai thác giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang góp phần tích cực trong việc gìn giữ, bảo lưu và phát huy giá trị di sản này.

Cùng với kiến trúc thành lũy độc đáo bằng đá lớn duy nhất còn lại ở Đông Á và Đông Nam Á, Thành Nhà Hồ còn là biểu tượng, sự kết tinh cho trí tuệ, tinh thần, sức mạnh của dân tộc và nhân dân ta. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2011 Thành Nhà Hồ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thành Nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới.

Trong những năm qua, ngoài việc gìn giữ, bảo lưu và phát huy giá trị nhiều mặt của di sản này, giá trị kinh tế cũng đang được đẩy mạnh khai thác, gắn với bảo vệ môi trường, thông qua việc xây dựng, triển khai các tuyến điểm tham quan, các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch số và hướng tới cộng đồng.

Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản Thành Nhà Hồ là mang tầm chiến lược, lâu dài và bền vững, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch một cách tích cực tại vùng di sản. Bên cạnh đó xuất phát từ thực tiễn khu di sản cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong tham quan du lịch hiện nay, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã chủ động và tích cực xây dựng, triển khai các tuyến điểm tham quan khu di sản, đặc biệt là tuyến tham quan các làng cổ ở ngay cạnh di sản và tuyến tham quan tâm linh vùng đệm dọc sông Mã.

Du khách tham quan các tuyến điểm du lịch bằng xe điện tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

Khi đến với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ du khách có thể lựa chọn một trong 3 tuyến điểm tham quan như: Tour tham quan tại điểm, gồm: Nhà trưng bày bổ sung Di sản – Trưng bày mô hình súng thần công, cải cách của vương triều Hồ - Danh nhân triều Hồ - Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời – Không gian văn hóa nông nghiệp Tây Đô – Gian hàng Sâm báo – Cổng Nam – Khu trưng bày đá xây Thành Nhà Hồ; tuyến tham quan Di sản làng cổ, gồm: Nhà trưng bày bổ sung Di sản – Tham quan, dâng hương đền thờ, bia ký nàng Bình Khương – Nhà cổ gia đình ông Phạm Ngọc Tùng – Chùa Linh Giang – Cổng Nam – Khu trưng bày đá xây Thành Nhà Hồ; tuyến tham quan tâm linh vùng đệm Di sản Thành Nhà Hồ có các điểm: Nhà trưng bày bổ sung Di sản – Tham quan, dâng hương đền thờ, bia ký nàng Bình Khương – Chùa Linh Giang  - Chùa Nhân Lộ - Cổng Nam – Khu trưng bày đá xây Thành Nhà Hồ.

Cùng với việc xây dựng các tuyến điểm, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cũng đã nỗ lực nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trung tâm đã và đang phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch thông qua khai thác nguồn lực hiện có, phù hợp với cơ sở vật chất tạo ra và đưa một số sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng vào khai thác, bước đầu đã nhận được sự phản hồi tích cực từ du khách. Mục tiêu là xây dựng sản phẩm du lịch hình thành tổ hợp dịch vụ độc đáo, gắn với tài nguyên vốn có mang đặc trưng riêng biệt của con người, vùng đất Tây Đô.

Có thể kể đến các sản phẩm đã và đang được khai thác như: Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô; không gian trưng bày hiện vật ngoài trời (trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách của vương triều Hồ); danh nhân triều Hồ; không gian trưng bày đá xây thành; chương trình giáo dục di sản…

Với mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, du lịch số cũng đã được đẩy mạnh phát triển thông qua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như: Các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thuyết minh 3D, tích hợp mã QR, nâng cấp hệ thống wifi, chuyển đổi mạng sang IPv6, xây dựng hệ thống giám sát an ninh…

Kết hợp lồng ghép tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường di sản cho các em học sinh

Do đặc điểm Di sản Thành Nhà Hồ nằm trên khu vực rộng lớn, tập trung dân cư đông đúc bao gồm người dân của 9 xã trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc với những làng xóm trù mật, chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều lễ hội, phong tục tập quán và nhiều giá trị truyền thống khác kết hợp với các yếu tố cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đồng thời cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực di sản là một trong những yếu tố đóng vai trò chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa và là người bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững phục vụ một phần cho chính sinh kế của người dân địa phương. Vì vậy trong những năm qua Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trên cơ sở đề cao vai trò, lợi ích cộng đồng cả về vật chất lẫn tinh thần trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Việc chủ động, nhạy bén trong khai thác các tuyến điểm và đa dạng sản phẩm du lịch trong những năm gần đây đã mang lại hiệu quả tốt trong việc thu hút du khách đến với Di sản thế giới Thành Nhà Hồ và đem đến giá trị kinh tế tích cực không chỉ cho ngân sách mà còn cho cả cộng đồng dân cư khu vực di sản.

Du khách thích thú check in tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Theo đó, mỗi năm di sản đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, lượng khách đến tăng 200% cùng kỳ năm 2022 và tăng 300% so với đại dịch Covid-19, doanh thu ước đạt 10 tỉ đồng/năm. Trong 6 tháng 2023, trung tâm đã đón, tiếp và giới thiệu về Di sản Thành Nhà Hồ cho 122.300 lượt khách, chiếm tỷ lệ 97,84% so với kế hoạch nhà nước giao năm 2023. Trong đó khách trong nước là 121.385 lượt, chiếm tỷ lệ 99,25%, khách quốc tế là 915 lượt, chiếm tỷ lệ 0,75%. Đây cũng là con số cao nhất so với cùng kỳ kể từ khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và ước tính năm 2023 sẽ đón hơn 250.000 lượt khách. Đối tượng du khách cũng đa dạng, phong phú hơn, không chỉ khách nội tỉnh, ngoại tỉnh mà khách quốc tế cũng ngày một tăng.

Việc bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững cũng đã tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng trong công cuộc phát triển của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cộng đồng dân cư.

Bên cạnh việc khai thác giá trị kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường tại di sản cũng đã được chú trọng, thông qua việc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ triển khai chương trình “xanh hóa” di sản với việc trồng thêm nhiều cây xanh và phối hợp với các trường học trên địa bàn để tổ chức các lớp ngoại khoá tìm hiểu lịch sử văn hóa, qua đó lồng ghép tuyên truyền nội dung về bảo vệ môi trường di sản. Đồng thời, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng các phương tiện vận chuyển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, không gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải. Tuyên truyền và xây dựng ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường khu di sản, thực hiện nếp sống văn minh du lịch cho đội ngũ người tham gia trực tiếp phục vụ du lịch, du khách và cả người dân địa phương.

Song song với đó, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về sự cần thiết của việc bảo vệ vệ sinh môi trường trong nhà và đường làng, ngõ xóm, nhất là đối với những làng, xóm có thói quen nuôi gia súc trong khuôn viên nhà, đặc biệt là các thôn, làng quanh khu vực di sản nâng cao ý thức trong việc bảo vệ vệ sinh môi trường cảnh quan di sản.

Vào các ngày cuối tuần, các tổ chức như hội nông dân, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tiến hành dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đặc biệt là các trục đường chính dẫn vào khu di sản cũng như có hướng dẫn cụ thể để xử lý chất thải từ động vật làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh thải trực tiếp ra môi trường.