Tạ Nhị ·
1 năm trước
 3427

Điểm nhấn ngành năng lượng Việt Nam

Song song với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050, nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thích ứng linh hoạt với những biến động

Sau gần 1 năm nhìn lại cuộc xung đột Nga – Ukraine với nhiều diễn biến ngày càng khốc liệt và cùng với tác động của đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề thị trường năng lượng toàn cầu, nhiều quốc gia đã xảy ra khủng hoảng năng lượng, nhất là châu Âu. Giá dầu khí, than, điện tăng cao khiến doanh nghiệp, người dân châu Âu không chỉ thiếu năng lượng cho sản xuất, sinh hoạt mà còn phải chi trả nhiều hơn cho hoá đơn vốn eo hẹp của mình. Tình trạng người dân xếp hàng mua xăng dầu xảy ra nhiều nơi trên thế giới; khí sưởi ấm; điện bị cắt luân phiên và tiết giảm… Nhiều nước quay trở lại nhiệt điện than và kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả.

Năm 2022, giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng với những biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga đã để lại nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá dầu tăng phi mã, cao nhất trong vòng 14 năm qua; Lạm phát nhiều nước lên cao nhất hàng thập kỷ; Làn sóng nâng lãi suất trên toàn cầu; Thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản sụt giảm, biến động không ngừng; Nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm…; Thế giới cũng phải đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực và tình trạng đói nghèo ở các nước kém phát triển…

Là một nền kinh tế mở, Việt Nam không tránh khỏi những tác động bất lợi từ tình hình thế giới, trong đó có cuộc xung đột Nga – Ukraine nhưng với sự chỉ đạo chiến lược của Đảng, sự chủ động quyết liệt vào cuộc của Chính phủ, các Bộ (trong đó có vai trò lớn của Bộ Công Thương), các ngành, địa phương, doanh nghiệp…vấn đề an ninh năng lượng quốc gia đã được đảm bảo, góp phần vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế- xã hội năm 2022 với GDP dự kiến đạt từ 8 - 8,2%, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%. Kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%...

Trong lĩnh vực năng lượng, mặc dù giá đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao nhưng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo với giá cả giảm dần; ngành điện đã đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân với giá ổn định ở mức thấp trên thế giới.

Ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đảng, Nhà nước đã có những nhận định, chỉ đạo kịp thời nhằm ứng phó với tác động của nó đối với nền kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề năng lượng.

Đặc biệt, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hội nghị đã biểu thị sự đồng tình, đánh giá cao về những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trước những diễn biến mới rất phức tạp tại Ukraine và trên thế giới; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục theo dõi sát sao tình hình; dự báo các tình huống, khả năng có thể xảy ra để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, phù hợp, có hiệu quả; giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực...”

Tại nhiều cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn có chỉ đạo sát sao và nhấn mạnh quan điểm: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội… Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, để hành động thực hiện bằng được mục tiêu này".

Tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

Để đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu…; đảm bảo tự chủ an ninh năng lượng trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, đề xuất các phương án, giải pháp ngắn hạn và dài hạn cụ thể. Theo đó, về xăng dầu, tiếp tục nâng cao khả năng sản xuất trong nước; tăng dự trữ nguồn cung với kế hoạch phân giao nhập khẩu cho doanh nghiệp đầu mấu; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm; Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên; Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về kinh doanh xăng dầu, nhất là 2 Nghị định 85 và 98.

Việt Nam chủ động ứng phó, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2023.

Tương tự, trong lĩnh vực điện lực: Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII; Hoàn thiện các cơ chế về giá điện, thị trường điện; Xây dựng phương án cấp điện năm 2023; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; nghiên cứu các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo…bảo vệ môi trường phù hợp với cam kết COP26, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường chỉ đạo các giải pháp triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả…

Lĩnh vực dầu khí:

Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 16/11/2022, Tập đoàn đã hoàn thành vượt kế hoạch công tác phát triển mỏ cả năm, đưa 05 mỏ/công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 01 công trình so với kế hoạch năm của Tập đoàn.

Khai thác dầu thô hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 20/10). Khai thác dầu thô 11 tháng đạt 9,91 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch năm, tương đương với mức thực hiện cùng kỳ năm trước (9,97 triệu tấn). Sản lượng khí, điện, đạm, xăng dầu và các sản phẩm khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng, trong 11 tháng ước đạt 854 nghìn tỷ đồng, xác lập kỷ lục mới kể từ khi thành lập Tập đoàn. Nộp NSNN toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 6 tháng, tính chung 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 134,5 nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực xăng dầu

Mặc dù có một số khó khăn cục bộ ở một số thời điểm, song bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đã nỗ lực đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho thị trường xăng dầu cho doanh nghiệp và sản xuất của Nhân dân.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 7,89 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá là 8,12 tỷ USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 119,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập 25,9-26,7 triệu m3, tấn xăng dầu, tức tăng 10-15% so với năm 2022.

Lĩnh vực điện lực:

Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800MW, tăng gần 1.400MW so với năm 2021, đứng đầu khu vực ASEAN; trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW, chiếm tỷ trọng 26,4%.

Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so 2021. Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh, tăng 6,08%. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 45.434 MW, tăng 4,41%. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 242,3 tỷ kWh, bằng 99,97% KH và tăng 7,53% so với năm 2021.

Trong công tác đầu tư xây dựng, EVN đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình lưới điện 110-500kV, trong đó đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng như: đường dây 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, các dự án lưới điện đồng bộ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, đường 220kV Nậm Mô - Tương Dương,... Các dự án nguồn điện như: Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện Hoà Bình mở rộng tiếp tục được triển khai khẩn trương. Ngoài ra, EVN cũng triển khai thủ tục đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn III và IV, Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái,...

Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.

Lĩnh vực than - khoáng sản:

Năm 2022, Tập đoàn Than - Khoáng sản đã sản xuất 39,4 triệu tấn than nguyên khai, đạt 101 % kế hoạch năm; Than tiêu thụ: 46,5 triệu tấn, đạt 108% kế hoạch năm.

Đối với khoáng sản: Sản xuất Alumin quy đổi: 1,47 triệu tấn đạt 113,5 % kế hoạch; Tinh quặng đồng: 105 nghìn tấn đạt 104,3% kế hoạch năm; Tinh quặng đồng: 105 ngàn tấn đạt 104,3% kế hoạch năm; Đồng tấm sản xuất: 30 ngàn tấn đạt 100 % kế hoạch năm.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 165,9 ngàn tỷ đồng, đạt 126 % kế hoạch; Lợi nhuận đạt 8,1 ngàn tỷ đồng, tăng 4,6 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 21,06 ngàn tỷ đồng, đạt 116,4% kế hoạch.

Có thể khẳng định, với chủ trương, định hướng đúng đắn, sự quyết liệt, linh hoạt trong điều hành trên cơ sở bám sát tình hình thế giới, năm 2022, an ninh năng lượng Việt Nam đã được đảm bảo, giảm thiểu sự phụ thuộc và tác động từ bên ngoài, tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế - xã hội trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Và đây cũng là cơ sở quan trọng các Bộ ngành tiếp tục các giải pháp theo tinh thần tự chủ, thích ứng linh hoạt để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc: (i) Xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chính lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị Quyết một lần nữa khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.

Ngày 07 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.