Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26-11-2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023.
Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ khoảng 51,21 triệu m³, dung tích hữu ích khoảng 47,41 triệu m³, dung tích chết khoảng 3,8 triệu m³ và hệ thống kênh, các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 874 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 519 tỉ đồng, còn lại ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.
Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m³/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Dự án còn nhiệm vụ phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. Năm 2023, dự luận quan tâm đặc biệt đến dự án vì triển khai trên 600ha đất rừng, trong đó có rừng đặc dụng.
Mô phỏng hồ chứa nước Ka Pét
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết, địa phương này đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị thực hiện việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).
Giải thích về nguyên nhân chấm dứt hợp đồng, Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho rằng do đơn vị trước đây không đủ năng lực tiếp tục thực hiện. Các ngành chức năng địa phương đang trình UBND tỉnh Bình Thuận thẩm định, lựa chọn lại đơn vị thực hiện lại ĐTM của dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Hồ chứa nước Ka Pét nằm trên thượng nguồn các dự án hồ Sông Móng, hồ Tân Lập, đập dâng… ở huyện Hàm Thuận Nam, nên việc cấp nước tưới tiêu cho vùng hạ lưu rất quan trọng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, ngày 5/1, đơn vị đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chỉ định thầu rút gọn để hoàn chỉnh báo cáo ĐTM dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương chỉ định thầu. Sau khi tỉnh có chủ trương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thực hiện các thủ tục liên quan để lựa chọn nhà thầu hoàn thiện báo cáo ĐTM.
Vào tháng 8/2021, tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam lập đánh giá tác động môi trường dự án hồ chứa nước Ka Pét với dung tích chứa 51,21 triệu m3.
Báo cáo ĐTM dự án được coi là công cụ khoa học nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường khu vực dự án, dự báo các tác động tích cực, tiêu cực, trực tiếp, gián tiếp, trước mắt và lâu dài trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án.
Qua đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình hoạt động, cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng chương trình quản lý và giám sát môi trường trong suốt quá trình dự án được đưa vào sử dụng.
Nhóm thực hiện báo cáo ĐTM do ông Hồ Nguyễn Trí Mẫn (Thạc sỹ địa chất, môi trường) làm chủ biên. Ông Phạm Đức Trí (Thạc sỹ Khoa học môi trường) và bà Đặng Thị Mỹ Lan (Thạc sỹ quản lý môi trường) của công ty này làm tư vấn lập báo cáo ĐTM.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7333266170066409/