Chiều 7/9, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - chủ trì họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.
Tại buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định tầm quan trọng của dự án trong việc cung cấp, điều tiết nước cho nhiều vùng khô hạn tại Bình Thuận.
Hồ chứa nước Ka Pét có vai trò quan trọng trong việc cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m²/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết.
Hồ Ka Pét còn có vai trò phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.
"Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nước cho dân. Nước tăng độ ẩm cho hệ sinh thái, tăng lượng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô", ông An nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Vị trí hồ chứa nước Ka Pét trên bản đồ.
Sở NN&PTNT Bình Thuận, cho biết UBND tỉnh sẽ thuê đơn vị lập phương án khai thác lâm sản. Sau đó đơn vị mới xác định số lượng đấu giá khai thác lâm sản, từ đó tỉnh sẽ có tính toán, vùng nào cần thiết sẽ khai thác trước.
Trong quá trình đấu giá, ban quản lý và chủ rừng sẽ có trách nhiệm giám sát ranh dự án. Nếu nhà thầu khai thác lấn ngoài ranh phải xử lý ngay.
Về công tác trồng rừng thay thế, hiện nay các chủ rừng rà soát diện tích để đăng ký về Sở. Sở đang giao Chi cục Kiểm lâm thống kê. Sở cũng đang rà soát các vị trí dự kiến trồng rừng xem tính pháp lý, có tranh chấp không?
Về công tác giám sát chất lượng trồng rừng thay thế, trong năm 2021, HĐND tỉnh Bình Thuận đã lập đoàn giám sát kiểm tra công tác trồng rừng thay thế giai đoạn 2016-2021. Qua đánh giá, kết quả giám sát, tình hình triển khai trồng rừng thay thế đảm bảo chất lượng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Quy mô hồ Ka Pét gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m³, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m³, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m³; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Quy mô đầu tư dự án là xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét với dung tích toàn bộ 51,23 triệu m3 với phần đầu mối gồm: Đập đầu mối (đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước); cách đầu mối Ka Pét 8,5 km về hạ lưu, xây dựng một đập dâng mới (Đập dâng Hàm Cần), cao độ đỉnh dự kiến 76,5 m; kênh tiếp nước về hồ Sông Móng có chiều dài khoảng 4,2 km dẫn nước sau đập dâng về hồ Sông Móng; kênh chính có chiều dài khoảng 5,3 km; kênh cấp I gồm 5 tuyến, chiều dài khoảng 5 km; các công trình trên kênh; đường tránh vùng lòng hồ chiều dài khoảng 2 km.
Được biết, từ năm 1995, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã khảo sát, quy hoạch hồ ở vị trí này. Năm 2013, Bình Thuận vẫn giữ hồ Ka Pét khi phê duyệt quy hoạch thủy lợi thời kỳ 2010-2020, tầm nhìn đến 2030. 5 năm sau, Bộ NNPTNT tiếp tục đưa hồ Ka Pét vào quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030, định hướng 2050. Tháng 7/2023, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có hồ Ka Pét.
Bình Thuận đã lập dự án thực hiện từ năm 2010, nhưng không có vốn nên kéo dài. Dự án cần chuyển mục đích sử dụng trên 50 ha rừng đặc dụng nên thuộc diện phải trình Quốc hội và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2019 tại Nghị quyết 93. Năm 2023, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 101, chấp thuận tăng vốn dự án thêm hơn 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Áp dụng cơ chế đặc biệt trong thực hiện Dự án
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 541 giao nhiệm vụ UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng tháng 4/2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, hạng mục công trình chính là đập Bê tông trọng lực dài 163,4 m, chiều cao lớn nhất H = 28,5m, dung tích hồ chứa khoảng 51,21 triệu m3 thuộc công trình cấp II. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hồ chứa thủy lợi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn (Dự án hồ chứa nước sông Dinh 3, huyện Hàm Tân; Dự án hồ Sông Móng, huyện Hàm Thuận Nam).
Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giao UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Nhằm sớm đưa dự án vào triển khai, đáp ứng sự cần thiết đầu tư, thúc đẩy giải ngân, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6812960562096975