Thanh Tâm ·
26 tuần trước
 9281

Diễn biến mới về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét

Chiều 26/10, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp nghe các sở, ngành liên quan báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo của Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh (Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận), đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện được một số công việc như cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng.

Trên cơ sở tổng diện tích đất có rừng chuyển mục đích sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế và yêu cầu phải thực hiện trồng bằng các loài cây bản địa như dầu, sao đen…

Hiện các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó làm cơ sở triển khai trồng rừng, đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Ngoài ra, công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đang trình bộ, ngành liên quan thẩm định. Riêng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sơ bộ của dự án, các phòng, ban thuộc UBND huyện Hàm Thuận Nam đang kiểm tra và rà soát lập phương án để tổng hợp vào tổng mức đầu tư dự án…

Quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, hiện Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ và tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan theo tiến độ.

Một góc rừng bên trong dự án hồ chứa nước nhìn từ trên cao. (Ảnh: ITN)

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng yêu cầu Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục liên quan đúng tiến độ với tinh thần thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Tổ công tác truyền thông để chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầy đủ, kịp thời. Riêng UBND huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh lập phương án đền bù giải tỏa dự án. Song song, tăng cường tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận người dân trong triển khai dự án.

Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Theo báo cáo Chính phủ, công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định. Đối với việc trồng rừng thay thế, tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ 1.844,54 ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án.

Trên cơ sở đó, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký với Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai trồng rừng đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025.

Với phương án trồng rừng này, đã được đẩy nhanh hơn 1 năm so với phương án được báo cáo lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2023). Đối với công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, Chính phủ cho biết hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chưa nhận được báo cáo này.

Hồ chứa nước Ka Pét là Dự án quan trọng Quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu mét khối, dung tích hữu ích 47,41 triệu mét khối, dung tích chết 3,8 triệu mét khối; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 874 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 519 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.

Dự án có mục tiêu cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu mét khối/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120 ngàn người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết.

Bên cạnh đó, dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP.Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7002365933156436