Cẩm Anh ·
3 năm trước
 4338

Doanh nghiệp cộng sinh tuần hoàn trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền

Chuỗi doanh nghiệp cộng sinh bao gồm ngành thép, nhựa và ngành công nghiệp phụ trợ tham gia vào chu trình sản xuất công nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Năm 2014, thành phố Hải Phòng đã phát triển “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng” với sự hỗ trợ kỹ thuật công nghệ từ thành phố Kitakyushu – Nhật Bản nhằm hướng tới xây dựng thành phố cảng xanh (Green port city), cắt giảm Carbon.

Theo đó, Trung tâm giảm thiểu Carbon khu vực châu Á – Thành phố Kitakyushu; Mạng lưới Ecotown thành phố Kitakyushu; Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã ký kết biên bản ghi nhớ trong việc hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (TP.Hải Phòng).

Nam Cầu Kiền

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của cả nước.

Sau hơn 13 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền dưới sự đầu tư xây dựng của Công ty Cổ phần Shinec cùng sự hỗ trợ từ đối tác Nhật Bản đã thu hút hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec cho biết, sau khi có Nghị định 82, từ một khu công nghiệp sản xuất nhiều ngành nghề đơn lẻ, chủ đầu tư đã quy hoạch các nhóm ngành nghề liên kết với nhau, tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh lẫn nhau. 

Theo đó, việc cung ứng nguyên nhiên liệu, xử lý các chất thải sau sản xuất đã giúp đầu vào của doanh nghiệp này trở thành đầu ra của doanh nghiệp khác, không còn chất thải ra ngoài môi trường. Hiện nay, 3 hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh tuần hoàn tại đây bao gồm: Ngành thép, ngành nhựa, ngành công nghiệp phụ trợ.

“Mặc dù các doanh nghiệp khi mới tìm hiểu về KCN Nam Cầu Kiền đều đắn đo nhiều về các quy định nghiêm ngặt trong phát triển đảm bảo yếu tố môi trường cao. Song, khi hiểu ra được lợi ích của doanh nghiệp mình trong “hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh” thì họ đều tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định về môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”, ông Điệp chia sẻ.

Công ty cổ phần Shinec

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec. Ảnh: TTXVN.

Với quan điểm kinh doanh “lấy môi trường làm trung tâm để giải quyết bài toán đầu tư”, trong tổng số 263 ha đất KCN chỉ có 167,19 ha đất đưa vào xây dựng công nghiệp, còn lại trên 40% diện tích đất của KCN dùng vào đất công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng, giao thông. 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong KCN được công tơ điện tử đo đếm, hệ thống camera quay quét hình ảnh, hệ thống quan trắc tự động và được giám sát quá trình phát thải, hoạt động của các nhà đầu tư 24/24h...

Trao đổi thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec cho biết, trong năm 2021, Nam Cầu Kiền đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại KCN, biến không gian nơi đây trở thành một vườn bách thảo có giá trị bền vững.

Ngoài KCN Nam Cầu Kiền và khu dân cư sinh thái tại Thủy Nguyên, vị Chủ tịch này còn ấp ủ rất nhiều dự án về môi trường. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất hoặc đầu tư mà còn có nhiều dự án bảo vệ môi trường thuộc về lĩnh vực khác, như xây dựng khu dân cư xanh, xây dựng vườn hạnh phúc trong các làng xã để mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường sống và yêu cây xanh. Thậm chí cả các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trên thế giới, khái niệm khu công nghiệp (KCN) sinh thái được đưa ra lần đầu vào năm 1997, theo đó được giải thích là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua công tác về quản lý các vấn đề môi trường. 

Tại Việt Nam, khái niệm khu công nghiệp sinh thái lần đầu được đưa ra tại Điều 2, nghị định 82/2018/NĐ-CP. Mục tiêu phát triển KCN sinh thái nằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nghiễm, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.

 

Nguồn