Minh Quân ·
2 năm trước
 3528

Doanh nghiệp Hồng Ngọc ngang nhiên xâm phạm di tích, bỏ mặc sự chấn chỉnh, xử lý từ chính quyền

Ngang nhiên phá núi, khai thác mỏ đá, mở đường trái phép,… tại khu di tích lịch sử thành Hoàng Nghiêu – Căn cứ Nguyễn Chích là những gì đang diễn ra tại tại mỏ khai thác đá của Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc, thuộc xã Hoàng Sơn (huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Tuy nhiên, những sai phạm này đến nay không những không được xử lý, mà doanh nghiệp này vẫn “vô tư” khai thác?

Ảnh: Internnet

Ngang nhiên phá núi, làm đường trái phép, xâm phạm di tích

Thời gian qua, người dân hai thôn Yên Mổ và Hồi Cù, xã Hoàng Sơn (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) vô cùng bức xúc về việc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc ngang nhiên đưa máy khoan cùng hàng chục công nhân vào phá núi Hoàng Sơn để làm đường trái phép với khối lượng khoảng 840 m³.

Mặc dù, họ đã nhiều lần phát hiện và báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương, thế nhưng phía lãnh đạo xã vẫn dửng dưng bỏ qua sự việc và giải thích rằng đang “tạo điều kiện” để doanh nghiệp hoạt động.

Ảnh: Internet

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến eo núi Hoàng Sơn đang bị khoét sâu từ 5-7m, rộng từ 3-5m. Con đường đi qua eo núi dài khoảng 30m đang khẩn trương được san phẳng. Một phần núi Hoàng Sơn bị xẻ tan hoang, nham nhở, các tảng đá lớn nằm vương vãi khắp nơi.

Ngay giữa vách núi, một máy khoan cỡ lớn ra sức đục khoét vào lòng núi, cạnh đó là 2 chiếc máy xúc đang cào bới, tập kết đá thành đống, các xe tải được phía Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc bố trí đợi sẵn để chở đá ra khỏi khu vực.

Anh L.V.Q, người dân xã Hoàng Sơn, bức xúc cho biết: Họ vào khoan núi Hoàng Sơn cả ngày lẫn đêm. Vì núi Hoàng Sơn liên quan đến di tích căn cứ Nguyễn Chích, nên khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã tập trung người dân vào xua đuổi, không cho họ phá núi, nhưng khi người dân rời khỏi họ lại tiếp tục làm.

Sau khi khoan cắt, đá nhỏ thì họ tận dụng làm nền đường, còn các tảng đá lớn được họ đưa về xưởng sản xuất. Chúng tôi đã báo nhiều lần báo cáo lên UBND xã Hoàng Sơn, nhưng không ai xử lý, cứ đà này thì chả mấy chốc cả khu vực núi Hoàng Sơn bị họ san phẳng.

Tự ý xây dựng nhà để xe, lắp đặt trạm biến thế

Sai phạm không chỉ dừng lại ở đó, tháng 01/2018, khi chưa được UBND tỉnh cho thuê đất, ông Nguyễn Tiến Ngọ (chủ Doanh nghiệp Hồng Ngọc) đã tự ý thuê người xây dựng trạm biến thế có diện tích 10 m² và móng nhà tôn có diện tích 240 m² trên phần diện tích đất hoang sát chân núi do UBND xã Hoàng Sơn quản lý.

Ảnh: Internet

Doanh nghiệp Hồng Ngọc còn tự ý xây dựng nhà để xe rộng hàng trăm m², nằm chềnh ềnh ngay lối đi vào mỏ và lắp đặt trạm biến thế. Bên cạnh đó, để giữ đất “làm của riêng” phía doanh nghiệp còn xây dựng tường rào kiên cố bao quanh khu đất rộng hàng nghìn m².

Lấn chiếm đất nông nghiệp, sai phạm trong khai thác mỏ đá gây ô nhiễm môi trường

Theo quan sát của PV tại mỏ đá của Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc: Trong khi điều kiện địa hình của mỏ đá vôi, làm việc liệu xây dựng rất phức tạp, cheo leo, cao nguy hiểm, nhưng đơn vị chưa có công nghệ khai thác hiện đại (công nghệ cắt dây) để thay thế công nghệ khai thác khoan, nổ mìn hiện đang sử dụng.

Từ chân núi nhìn lên vách đá dựng đứng chừng 50m, đơn vị chưa làm đường lên mỏ để khai thác theo kiểu cắt tầng, phân lớp, làm từ đỉnh xuống chân núi. Phía dưới là trạm xay nghiền đá không được phun tưới nước gây bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường đến khu vực xung quanh.

Ảnh: Internet

Cùng với đó là hàng chục công nhân đang làm việc không có trang bị bảo hộ lao động. Vật liệu được đơn vị tập kết cao như núi nằm sát nhà dân, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Một người dân thôn Hồi Cù cho biết: Mỗi khi có gió thổi, khu vực xung quanh trở nên bụi mù mịt. Tiếng ồn từ việc nổ mìn, xay nghiền, xe cộ ra vào mỏ làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người dân nơi đây. Ban ngày nhà nào cũng phải đóng kín cửa vì sợ bụi bay vào nhà,  anh chị thấy đấy, phía sau nhà là mỏ đá, phía trước là bãi tập kết đá, vậy làm sao mà chúng tôi sống yên ổn được.

Tại điểm mỏ của đơn vị đã và đang tồn tại nhiều bất cập và sai phạm liên quan đến khai thác không đúng với thiết kế được phê duyệt, quy trình bảo vệ môi trường đối với các khu vực xung quanh trong quá trình hoạt động chưa đảm bảo. Điều này, không những gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân lân cận, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.

Ảnh: Internet

Không dừng lại ở đó, mới đây Doanh nghiệp Hồng Ngọc còn tự ý san lấp hàng trăm m2 đất nông nghiệp. Tại Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC ngày 12/01/2021 của Đoàn kiểm tra Công an huyện, Phòng TN&MT huyện và UBND xã Hoàng Sơn cho thấy: Công ty Hồng Ngọc có hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn với diện tích khoảng 675 m2.

Chính quyền lên tiếng

Trước sự việc trên, ngày 02/01/2018, UBND xã Hoằng Sơn đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp Hồng Ngọc san trả lại mặt bằng như lúc ban đầu trước ngày 22/02/2018, nếu đơn vị không thực hiện UBND xã sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật và ra Quyết định xử phạt hành chính 5.000.000đ đối với ông Nguyễn Tiến Ngọ vì vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Ngày 12/03/2021, UBND huyện Nông Cống đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 618/QĐ-XPVPHC đối với Doanh nghiệp Hồng Ngọc, số tiền phạt áp dụng là 20 triệu đồng. Qua đó, buộc đơn vị phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa trước ngày 31/03/2021 và yêu cầu đơn vị trả lại hiện trạng đất như ban đầu trước ngày 31/03/2021

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị tiếp cận Quyết định xử phạt hành chính thì ông Nhiều cho biết không thể cung cấp cho cơ quan báo chí?.

Mặc dù ra quyết định xử phạt như vậy, nhưng công trình vi phạm vẫn tồn tại, còn phía chính quyền xã Hoàng Sơn chưa có bất cứ động thái nào, cho thấy việc xử lý hành vi xây dựng trái phép của Doanh nghiệp Hồng Ngọc chưa triệt để. 

Trao đổi với PV, ông Lê Đình Nhiều, Chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn cho biết: Việc Doanh nghiệp Hồng Ngọc khai thác đá chưa đúng với thiết kế mỏ như khai thác vách đứng, chưa làm đường lên mỏ, chúng tôi biết và đã nhắc nhở đơn vị họ thực hiện cho đúng quy định.

Trao đổi với PV, ông Lê Hồng Tới, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nông Cống cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, Doanh nghiệp Hồng Ngọc đã lấn chiếm hơn 600 m2 đất nông nghiệp, UBND huyện Nông Cống đã xử phạt và yêu cầu đơn vị trả lại hiện trạng đất như ban đầu trước ngày 31/03/2021.

Đối với các vi phạm khác trong khai thác, xây dựng công trình, làm đường trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể trong thời gian tới.