Hồ Hằng ·
1 năm trước
 9985

Doanh nghiệp lên kịch bản xuất khẩu vải niên vụ 2022 - 2023

Khoảng 2 tháng tới mới bắt đầu mùa vải chín, tuy nhiên tại thời điểm này, các vùng trồng, doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng kịch bản xuất khẩu vải niên vụ 2022 - 2023.

Với điều kiện thời tiết, nhiệt độ ẩm thấp phù hợp với cây vải đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả. Nhiều nhà vườn dự báo mùa vải năm nay sản lượng tăng hơn khoảng 20% so với năm 2022.

Bà Soạn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) phấn khởi vì vườn vải của nhà mình năm nay cho đậu quả trên 90%, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ vài tháng tới, nhà bà sẽ được thu hái 7 tấn, hơn năm ngoái 2 tấn vải. Nhà bà Soạn liên kết với một doanh nghiệp bao tiêu không lo đầu ra, nhưng quy trình chăm sóc cũng phải theo yêu cầu từ phía công ty.

"Tôi phải theo công ty người ta hướng dẫn, chứ không phải mình thích bón thế nào thì bón. Họ tập huấn cho chúng tôi rồi cứ theo hướng dẫn, không thấy khó khăn, vải đẹp", bà Nguyễn Thị Soạn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.

Đại hiện doanh nghiệp cho biết, hiện họ đang liên kết với 19 hộ dân, diện tích trên 12 ha vải theo định hướng hữu cơ. Thị trường lớn nhất của họ là Trung Quốc, doanh nghiệp canh tác chăm sóc vải theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

"Bây giờ cũng phải mấy chục khách hàng Trung Quốc. Trước chỉ có đi cửa khẩu Tân Thanh và cùng lắm sang bên Lào Cai nhưng hiện các cửa khẩu, kể cả Móng Cái năm nay cũng vừa lên đặt hàng. Đóng gói theo yêu cầu của bạn hàng", bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc, Công ty CP Nông nghiệp Hữu cơ Kim Hằng, cho biết.

Theo đại diện địa phương, năm nay sản lượng vải sẽ tăng hơn năm 2022, nên việc tiêu thụ cũng áp lực hơn. Khác với 2 năm trước tỷ lệ vải xuất khẩu thấp hơn vải tiêu thụ trong nước, năm nay do tình hình Trung Quốc xóa bỏ chính sách Zero COVID-19, họ dự kiến tỷ lệ vải xuất khẩu sẽ chiếm khoảng 60% sản lượng.

"Năm nay có một số điểm mới, cách làm mới, thành lập các tổ công tác sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Làm sao để các doanh nghiệp biết các thông tin về vải thiều. Hiện nay chúng tôi đã ký kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến", ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Tỉnh Bắc Giang, thông tin.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, năm nay, toàn tỉnh duy trì 178 mã số vùng trồng xuất khẩu đối với cây vải thiều, với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 110 mã.

Theo kinh nghiệp những người trồng vải ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, chất lượng hoa như năm nay sẽ cho đậu quả tới 90%, báo hiệu một năm sản lượng vải tăng mạnh. Để chuẩn bị tốt cho hạ tâng cơ sở thu hái tiêu thụ vải tốt, nhiều nhà vườn đã đầu tư xây dựng con đường đi vào tâm vườn để thuận lợi việc thu hái.