Thanh Chúc ·
1 năm trước
 5810

Đồng Nai: Cần đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp

Nước thải từ các cụm công nghiệp là trở ngại lớn vì trạm xử lý vừa thiếu, vừa chưa vận hành chính thức. Nếu không được quan tâm đầu tư đồng bộ, đây sẽ là thách thức với môi trường đất, nước.

Ảnh minh hoạ.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, CCN phải đầu tư TXL nước thải, đảm bảo kết nối thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh về xử lý. Điều này vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo hồ sơ pháp lý về giấy phép môi trường, đủ điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Ngoài ra, CCN còn phải đầu tư trạm quan trắc nước thải, kết nối và truyền dữ liệu tự động về Sở TN-MT.

Quy định là vậy song thực tế, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật nói chung và hạ tầng bảo vệ môi trường nói riêng tại các CCN trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư có hạn, quy trình thẩm định dự án môi trường lâu.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 16 CCN phát sinh nước thải với khối lượng khoảng 900-1.000m3/ngày đêm. Trong đó, 4 CCN hoàn thành đầu tư hạ tầng TXL nước thải, nhưng còn vận hành thử nghiệm và không tải (vận hành nhưng không có nước thải).

CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) là một trong 4 CCN đã hoàn thành đầu tư TXL, tuyến thu gom nước thải nhưng chưa vận hành hệ thống.

Việc đầu tư TXL nhưng chậm vận hành dẫn đến không đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong CCN, nguồn lực đầu tư bị lãng phí.

CCN gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) được thành lập với mục đích tạo mặt bằng sản xuất cho các cơ sở gốm sứ thuộc diện phải di dời khỏi khu dân cư, góp phần chỉnh trang đô thị và hạn chế ô nhiễm môi trường. Cụm hiện có 28 cơ sở hoạt động và tỷ lệ cho thuê đất đạt 90% nhưng TXL nước thải công suất 850m3/ngày đêm cũng mới vận hành thử nghiệm. Các cơ sở trong CCN phải tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.

Còn tại H.Long Thành, cả 2 CCN đang phát sinh nước thải đều chưa được đầu tư TXL. Nguyên nhân, theo địa phương là CCN chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chậm, còn chờ bổ sung hồ sơ thành lập cụm.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) Lê Văn Bình cho rằng, nước thải từ các CCN là trở ngại lớn vì TXL vừa thiếu, vừa chưa vận hành chính thức. Nếu không được quan tâm đầu tư đồng bộ, đây sẽ là thách thức với môi trường đất, nước.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ, trong đó quy định mức hỗ trợ 30% (nhưng không quá 10 tỷ đồng)/tổng vốn đầu tư cho dự án hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có CCN được thụ hưởng chính sách này.

Phó trưởng phòng Quản lý đô thị H.Trảng Bom Nguyễn Hải Triều cho biết, năm 2022, Sở Công thương đề xuất chọn CCN Hố Nai 3 lập hồ sơ hỗ trợ đầu tư TXL nước thải, nhưng chưa làm được. Nguyên nhân theo ông Triều là còn phải lập hồ sơ bàn giao quản lý từ Phòng Quản lý đô thị huyện về Trung tâm Dịch vụ công ích mới đủ điều kiện hưởng thụ chính sách.

Trong báo cáo tổng kết 10 năm phát triển hạ tầng CCN và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh cũng chỉ ra, công tác đầu tư hạ tầng nói chung và hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả thu hút đầu tư vào CCN.

UBND tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm giải quyết các vướng mắc; bố trí nguồn vốn, kết hợp với việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư hạ tầng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải để hạn chế ô nhiễm môi trường. Sở TN-MT tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các CCN.

Sở TN-MT đề nghị địa phương phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở KH-ĐT đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạng mục bảo vệ môi trường tại các CCN chưa triển khai để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.