Thành Phong ·
1 năm trước
 7991

Đồng Nai: Hệ lụy nào từ những cơ sở kinh doanh, tập kết than?

Dù nhiều lần phản ánh về tình trạng các bãi than hoạt động có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng chục năm qua người dân tại KP. Tân Lập, P. Phước Tân, TP. Biên Hòa vẫn chịu cảnh “sống chung với lũ” và mòn mỏi trông chờ chính quyền giải quyết.

Theo chia sẻ của người dân và ghi nhận thực tế của Phóng viên, hiện trên địa bàn tổ 13, KP. Tân Lập, P. Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có 3 đơn vị hoạt động làm kho, bãi than. Trong đó, Công ty TNHH TMDV Phú Cường Thịnh (Công ty Phú Cường Thịnh) có 2 bãi; Công ty TNHH Khoáng sản Bình Dung (Công ty Bình Dung) có 2 bãi nhưng 1 bãi tạm thời ngưng hoạt động; 1 bãi thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Khoáng sản – Than Đông Bắc (Công ty Than Đông Bắc).

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động, những kho than này đều  sinh bụi, nước thải ra môi trường. Hơn nữa, theo phản ánh của người dân vào ban đêm, các kho than này còn thực hiện việc sấy than nên phát tán nguồn khói bụi, mùi khét. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân đang sinh sống tại đây.

Đầu tiên, kho than của Công ty Đông Bắc hoạt động tại số 69/8, KP. Tân Lập, P. Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với diện tích khoảng 25.000m2, sức chứa 300.000 tấn sản phẩm/năm. Hoạt động của kho than này ở khu vực ít dân cư, các phương tiện vận chuyển than gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông. Cụ thể, trục đường chính Bắc Sơn – Long Thành vào trong Công ty Đông Bắc xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà và bụi than.

Theo thông tin PV có được, Công ty này đã có kế hoạch di dời kho chứa than về huyện Nhơn Trạch để làm máy chế biến than cách đây 3 năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện tại kho than này vẫn chưa được di dời, bên trong vẫn còn tập kết hàng trăm tấn than, thiết bị và phương tiện để sơ chế, vận chuyển.

Một người dân bán quán nước gần kho than Công ty Đông Bắc cho biết, khi gia đình chị chuyển về đây sinh sống từ năm 2019 thì Công ty này đã hoạt động. Quá trình hoạt động, vận chuyển than làm phát sinh nhiều bụi, đường xá xuống cấp trầm trọng, nắng bụi mưa lầy, từ đó ảnh hướng rất nhiều tới sinh hoạt và gia đình cũng rất lo lắng về vấn đề sức khỏe.

"Tôi về ở đây 3, 4 năm thì đã có từ trước rồi. Trước tình trạng này, gia đình cũng nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng nhưng không thấy có động thái gì. Năm nào tôi cũng nghe là cuối năm dời đi nhưng không biết là cuối năm nào” – người dân chia sẻ.

Tiếp đến, kho than của Công ty Phú Cường Thịnh hoạt động tại số 295, KP. Tân Lập, P. Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kho than này có diện tích khoảng 7.000m2, kết cấu cột kèo sắt, mái và vách bằng tôn, nhiều vị trí đã xuống cấp. Đồng thời, phía trong kho chứa của đơn vị này đang tập kết hàng chục ngàn tấn than và nhiều thiết bị máy móc.

Theo người dân địa phương, trong quá trình hoạt động, Công ty Phú Cường Thịnh đã để xảy ra tình trạng phát sinh khói, bụi, nước thải và mùi khét trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Cùng với kho chứa than, tại khu vực này Công ty Phú Cường Thịnh còn có một bãi đậu xe và người dân đặt nghi vấn, mặt bằng bãi đậu xe này được Công ty Phú Cường Thịnh dùng chính những phế phẩm từ hoạt động kinh doanh than để làm vật liệu san lấp. “Lúc trước mặt bằng này thấp hơn so với mặt đường, nhưng sau này Công ty chở vật liệu về san lấp cho cao lên, chưa rõ là vật liệu gì nhưng có khả năng là các phế phẩm từ quá trình chế biến than (tro xỉ), nhìn đen sì nên chắc chắn không phải đất”- một người dân sống gần đây cho biết.

Không chỉ vậy, quá trình vận chuyển than Công ty Phú Cường Thịnh còn sử dụng những loại xe container làm xe chở than. Phương án tưới nước để làm giảm bụi được thực hiện nhưng tồn tại nhiều bất cập như việc tưới không thường xuyên, tưới nước gây ứ đọng tại những ổ gà, ô voi từ đó gây trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Một người dân nói rằng, đường xá hư hỏng thì ảnh hưởng nhiều lắm, vì đầu trên là trường trung học, còn đầu dưới là trường tiểu học, hai trường nằm hai đầu. Lượng xe trên tuyến đường này rất đông vì là tuyến đường chính, lúc trước học sinh còn đi xe đạp đi học, nhưng khi tuyến đường xuống cấp, xảy ra tai nạn nhiều nên học sinh cũng hạn chế đi xe đạp, mưa thì trơn trượt, nắng thì bụi bặm. Tuyến đường này giờ quá nhỏ, hai xe lớn đi ngược chiều là lấn hết đường, không còn đường để đi nữa, ai đi xe máy, học sinh đi xe đạp điện là rớt xuống lề hết, chỉ cần sơ xuất xíu là có tai nạn xảy ra. Tuyến đường này hư hỏng rất lâu rồi mà lâu lâu mới thấy bên kho than đổ ít đá để che bớt mấy cái lỗ to, chỉ là khắc phục tạm thời. Còn vấn đề ùn tắc giao thông, mỗi lần xe trong kho than đi ra hay đi vào, xe đi xuống xe đi lên, học sinh đi học về là kẹt đường. Tình trạng cái khúc này nó bị ứ đọng, ảnh hưởng tới người dân rất nhiều”.

Riêng đối với khu vực kho xưởng của Công ty Bình Dung (do bà Nguyễn Thị Dung là người đại diện pháp luật) tại tổ 13, KP. Tân Lập, P. Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hiện nay đã không còn hoạt động tập kết và chế biến than. Tuy nhiên, tại khu vực kho xưởng này vẫn còn tồn tại nhiều dấu vết của việc tấp kết, chế biến than trước đó. Và theo người dân, sau khi việc tập kết than ở địa chỉ này dừng hoạt động, Công ty Bình Dung đã di dời về một địa điểm khác cách đó không xa (cùng trên địa bàn khu phố Tân Lập) và hoạt động với pháp nhân là Công ty TNHH TMDV Long Hương Phát (Công ty Long Hương Phát).

Lần theo chỉ dẫn, PV đã tìm đến vị trí tập kết mới này ở địa chỉ 273/12 đường Võ Nguyên Giáp, KP. Tân Lập, P. Phước Tân. Tại đây, PV cũng ghi nhận những hoạt động kinh doanh than với nhiều dấu hiệu không đảm bảo các quy định của pháp luật. Hàng chục ngàn tấn than được tập kết trên khoảng diện tích đất nông nghiệp rộng hàng ngàn m2 và không che chắn, không có phương án thu gom nước thải, chất thải, không lắp đặt trạm cân, … theo quy định. Đáng chú ý, hiện nay Công ty Bình Dung và Công ty Long Hương Phát đều có chung địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 1297A1, tổ 25, KP. Hương Phước, P. Phước Tân, TP. Biên Hòa.

Khi PV tìm đến địa chỉ của Công ty Long Hương Phát, tại đây PV gặp một người phụ nữ tự xưng là Nguyễn Thị Dung – người đại diện pháp luật Công ty Bình Dung. Trao đổi nhanh với PV về những vấn đề liên quan đến phản ánh của người dân về Công ty Bình Dung, người phụ nữ tên Dung khẳng định Công ty Bình Dung không làm than. “Bình Dung không làm than. Vấn đề này chị cũng thấy nhưng chị không có nhiều thời gian để làm việc” – người phụ nữ này khẳng định chắc nịch.

Liên quan đến những phản ánh của người dân và đề nghị của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề này, một cán bộ văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết đã tiếp nhận nội dung đề nghị thông tin từ PV, hiện đơn vị đang tiến hành tham mưu lãnh đạo Sở và giao các phòng ban chuyên môn để tổng hợp, kiểm tra. Sau khi có thông tin sẽ sớm phản hồi đến cơ quan báo chí.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo!