Minh Anh ·
1 năm trước
 6881

Thanh Hóa: Giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp bảo vệ môi trường.

Hiện nay, lượng rác thải nhựa được thu gom và xử lý triệt để chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trên đồng ruộng. Các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp bảo vệ môi trường.

Nhiều hộ dân xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) sử dụng màng phủ nilon trong quá trình sản xuất

Trong những năm qua, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương pháp che phủ nilon trong quá trình canh tác một số loại cây trồng. Hàng năm sau khi kết thúc mùa thu hoạch, màng phủ nilon bị rách nên phải vứt bỏ để thay màng phủ khác. Người dân thường gom số màng nilon bị rách này ra đốt, khói bay vào khu dân cư gây ra mùi khó chịu. Thậm chí có nhiều hộ vứt bỏ lung tung trên đồng ruộng, kênh mương gây bức xúc cho các hộ dân khác. Ông Phạm Văn Kiên, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cho biết: Để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, người dân nơi đây đã sử dụng nilon để phủ mặt luống đất nhằm hạn chế cỏ dại và tác động của thời tiết đối với sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nếu nilon không còn khả năng tái sử dụng, cần thu gom để xử lý theo quy định, tuyệt đối không được chôn sâu trong đất làm ảnh hưởng đến môi trường đất sản xuất.

Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 395.277 ha cây trồng các loại. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mỗi ha lúa nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1 - 1,5kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)/vụ. Đối với diện tích trồng rau màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Nhiều nông dân vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV là một loại rác thải thông thường nên vẫn còn tình trạng vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng... Vì vậy, tỷ lệ thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại các địa phương còn thấp và phần lớn được xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy thủ công. Để giảm thiểu rác thải trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền về sự nguy hại của các loại rác thải nông nghiệp đối với môi trường và con người. Hàng năm, ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp - IPM, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn cho nông dân. Các địa phương cũng vận động người dân thu gom, phân loại và xử lý các loại rác thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các cấp hội nông dân đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình bể chứa rác thải tại các cánh đồng để thu gom triệt để các vỏ bao bì thuốc BVTV, tránh tình trạng vứt bỏ bừa bãi ra các bờ ruộng, kênh mương.

Ông Trịnh Quốc Huy, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, cho biết: Hàng năm, thông qua hoạt động thanh tra chuyên ngành, đơn vị đã lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải nguy hại theo quy định tại Thông tư 05 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, chi cục thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cũng theo ông Huy, các địa phương cần tích cực vận động, hướng dẫn người dân sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu để phủ mặt luống thay thế cho phủ bằng nilon để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho cây, cải tạo đất. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và thu gom vỏ thuốc BVTV đảm bảo an toàn, hiệu quả./.