Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng. Quy hoạch có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII sẽ cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Tiêu chí kỳ vọng xác suất mất tải 12 giờ/năm, tương ứng với độ tin cậy cung cấp điện đạt 99,86% (tương đương với các nước trên thế giới).
Về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện là 158.244 MW (không bao gồm xuất khẩu). Trong đó, thủy điện chiếm 18,5%, nhiệt điện than 19%, nhiệt điện khí trong nước 9,4%, nhiệt điện 14,2%, nhiệt điện gió trên bờ 13,8%, điện mặt trời 13% (được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất)…
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.005-573,.000 MW, thủy điện chiếm 6,3-7,3%, không còn sử dụng than để phát điện, nhiệt điện sử dụng sinh khối 4,5-6,6%, điện gió ngoài khơi 14,3-16%...
Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Quy hoạch Điện VIII thể hiện quyết tâm của Việt Nam về cắt giảm điện than, tận dụng tiềm năng lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030.
Quy hoạch điện VIII đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Quy hoạch Điện VIII đã được Hội đồng thẩm định thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, Quy hoach điện VIII cho thời kỳ 2021-2030 vẫn chưa được thông qua trong tháng 6/2022 như kỳ vọng.
Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá, cho thấy một số vấn đề còn cần chỉnh sửa, như quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn cũng như một số vấn đề về cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện...
Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII nhằm khắc phục cho được các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".
Đầu tư cho nguồn điện để dẫn dắt kinh tế
Về quan điểm phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hóa sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch…
"Đây là xu thế tất yếu, cơ hội để Việt Nam hội nhập, chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo được ưu thế trên thị trường thương mại tự do, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết", Phó Thủ tướng nói.
Đối với các kịch bản được nêu trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn tính khả thi về công nghệ, hiệu quả tổng thể (nguồn điện, an toàn hệ thống truyền tải, phụ tải…), giải pháp và cơ chế đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các trung tâm công nghiệp, cụm kinh tế trọng điểm, người dân…, nhất là trường hợp nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, không có trong quy hoạch.
"Trong trường hợp nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, hoặc để đạt mục tiêu cấp điện cho 100% người dân thì cần có cơ chế phù hợp cho điện áp mái, hoặc cơ chế sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp sản xuất", Phó Thủ tướng gợi mở.
Nhấn mạnh quan điểm "đầu tư cho nguồn điện để dẫn dắt kinh tế, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm kinh tế", Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch phải có tiêu chí, "công cụ" để xác định kế hoạch chi tiết về lộ trình, địa điểm, nhu cầu sử dụng điện, dự án ưu tiên… dựa trên hiệu quả kinh tế; tính tối ưu tổng thể giữa nguồn, hạ tầng truyền tải và phụ tải; giải pháp tiêu thụ điện linh hoạt; sự phát triển các công nghệ mới…
"Quy hoạch điện VIII phải đặt trong mối quan hệ tương tác với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, tích hợp trong quy hoạch sử dụng đất, có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thu hút nguồn vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân (trong nước và nước ngoài) trong phát triển nguồn điện nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh, quốc phòng", Phó Thủ tướng lưu ý.