Minh Anh ·
31 tuần trước
 9291

Dự án đường sắt đô thị số 5 đi qua những quận, huyện nào?

Theo kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro số 5 vừa được phê duyệt, dự án metro số 5 có chiều dài 38,43 km đi qua 7 quận huyện của Hà Nội.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, ngày 5/9, Hội đồng thẩm định nhà nước đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro số 5.

Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 38,43 km (6,5 km đi ngầm; 2,0 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.

Trong đó, có 6 ga ngầm: ga Quần Ngựa, ga Kim Mã, ga Vành đai 1, ga Vành đai 2, ga Hoàng Đạo Thúy, ga Vành đai 3; 1 ga trên cao: ga Tây Mỗ và 14 ga mặt đất: ga Lê Đức Thọ, ga Mễ Trì, ga An Khánh 1, ga An Khánh 2, ga Song Phương, ga Sài Sơn, ga Quốc Oai, ga Ngọc Mỹ, ga Đồng Bụt, ga Đồng Trúc, ga Đồng Bãi, ga Tiến Xuân, ga Trại Mới, ga Thạch Bình.

Dự án bố trí 2 depot, Depot số 1 bố trí tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức với diện tích khoảng 18 ha. Depot số 2 bố trí tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất với diện tích khoảng 6,9 ha.

Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ: 26 đoàn tàu (4 toa) năm 2025; 37 đoàn tàu (4 toa) năm 2035; và 38 đoàn tàu (6 toa) năm 2050.Trong các bước nghiên cứu tiếp theo sẽ tiếp tục làm rõ phương án tổ chức chạy tàu phù hợp với nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị metro số 5 hình thành nên tuyến đường sắt đô thị hướng tâm trong tổng thể quy hoạch theo Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất của thành phố Hà Nội.

Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Dự án metro số 5. Ảnh minh họa.

Vị trí sẽ xây các trạm dừng của tuyến đường sắt đô thị số 5

Điểm đầu của tuyến đường sắt đô thị số 5 là ga Văn Cao. Trong tương lai, ga này sẽ được xây dựng tại nút giao Văn Cao – Quần Ngựa (trước cổng Cung Thể thao Quần Ngựa) thuộc quận Ba Đình. Địa điểm này năm trong quy hoạch phân khu H1-2.

Cách ga Văn Cao khoảng 1 km sẽ là trạm dừng số 2, nằm gần cầu vượt Nguyễn Chí Thanh và ngã tư Liễu Giai – Vạn Phúc – Phan Kế Bính. Vị trí này gần các dự án lớn như LOTTE Center Hà Nội và Vinhomes Metropolis. Bán kính 1 km xung quanh có các đại sứ quán lớn, các khu văn phòng, khách sạn, điểm vui chơi, giải trí… (phân khu H1-2)

Trạm dừng thứ 5 nằm tại nút giao Trần Duy Hưng – Hoàng Đạo Thúy. Trong tương lai, tuyến đường sắt số 5 sẽ giao với tuyến đường sắt số 4 ở vị trí này. Tuyến đường sắt số 4 theo qui hoạch được xây dựng đi theo đường vành đai 2,5, qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hoàng Mai.

Ga ngầm cuối cùng trên đường Trần Duy Hưng nằm ở hầm chui Trung Hòa, giữa nút giao Trần Duy Hưng – Đại lộ Thăng Long và trục Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến (đường vành đai 3). Các dự án lớn ở khu vực này phải kể đến là Vinhomes D’Capitale và Big C Thăng Long. Bán kính 2 km xung quanh có nhiều trường học, các khu văn phòng và các khu đô thị lớn.

Điểm dừng tiếp theo tại Cầu Vượt Mễ trì, Nơi có khu đô thị Vinhomes Green Bay, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia.

Chạy theo Đại lộ Thăng Long, tuyến metro số 5 sẽ có ga dừng trước dự án Vinhomes Smart City. Xung quanh khu vực này có nhiều cơ quan hành chính như Bộ ngoại giao, Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Đây cũng là trạm dừng của các tuyến metro số 6, 7 trong tương lai

Một trạm dừng khác trên Đại lộ Thăng Long nằm ở hầm chui đường sắt sát với dự án Vincity Sportia Tây Mỗ – Đại Mỗ. Dự án này thuộc phạm vi của Vinhomes Smart City.

Trạm dừng tiếp theo nằm ở nút giao giữa Đại lộ Thăng Long với đường Lê Trọng Tấn, trước cổng Thiên Đường Bảo Sơn. Đây cũng là nơi tọa lạc của dự án Vinhomes Thăng Long.

Tiếp tục đi về phía Tây, tuyến metro số 5 sẽ dừng ở khu vực cầu vượt An Khánh. Khu vực này có nhiều dự án lớn như Splendora, Thăng Long Victory, Thăng Long Capital.

Ga dừng tiếp theo nằm trên Đại lộ Thăng Long, trước Dự án khu đô thị Hado Charm Villas – An Thượng, Hoài Đức.

Ga dừng số 15 và cũng là điểm dừng cuối cùng trong giai đoạn đầu xây dựng tuyến metro số 5 nằm ở nút giao Đại lộ Thăng Long và cầu vượt Song Phương, thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đây cũng chính là vị trí có tuyến đường vành đai 4 đi qua trong tương lai.

Sử dụng nguồn vốn ODA đầu tư dự án Văn Cao - Hòa Lạc

Ngày 6/5/2023, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận một loạt các quyết định quan trọng liên quan đến các dự án đường sắt đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Sau đó, Văn phòng Chính phủ mới đây đã phát hành Thông báo kết luận sau cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong đó thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.

Kết quả của cuộc họp này đã được thống nhất và ghi nhận trong 11 nội dung quan trọng về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, và nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện, bền vững của Hà Nội. Thương hiệu này cần phát triển nhanh chóng, trở thành trung tâm quốc gia về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Thường trực Chính phủ cũng đã đưa ra ý kiến về các kiến nghị từ TP Hà Nội, đặc biệt là về các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu. Đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ KH-ĐT đã được giao nhiệm vụ kiểm tra và đưa ra ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của TP Hà Nội theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Ngoài ra, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho việc TP Hà Nội được ứng vốn ngân sách thành phố để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu và tư vấn dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của dự án, đảm bảo hiệu quả và tránh tiêu cực, lãng phí.

Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, TP Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để điều chỉnh Hiệp định vay của dự án trong tháng 7/2023, như đã thông báo trong kết luận.

Cũng trong kết luận, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về chủ trương để TP Hà Nội lập báo cáo đề xuất dự án metro Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc theo quy định. Điều này sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2021 của Chính phủ và Nghị định số 20/2023 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Báo cáo sẽ được gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tiến hành thẩm tra và quyết định trong quý IV/2023.

Các kiến nghị về việc sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư dự án metro Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc và việc cho phép TP Hà Nội nghiên cứu và triển khai. Đầu tư tuyến metro Hà Đông – Xuân Mai kéo dài cũng đã được Thường trực Chính phủ đồng ý về chủ trương và giao nhiệm vụ UBND TP Hà Nội thực hiện theo quy định.

Về việc sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) để nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài – Ngọc Hồi, TP Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ KH-ĐT để làm việc với WB và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định.

Ngoài ra, Thường trực Chính phủ đã giao nhiệm vụ UBND TP Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án Yên Viên – Ngọc Hồi (bao gồm cả cầu Long Biên). Bộ GTVT sẽ rà soát và bàn giao các hồ sơ còn thiếu (nếu có), để TP Hà

Nội có thể tiến hành quản lý quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội khu vực xung quanh tuyến đường.

Thông báo kết luận cũng đề cập đến việc nghiên cứu cơ chế đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, gắn kết với các dự án đường sắt đô thị để phát triển không gian ngầm, và huy động vốn đầu tư đường sắt đô thị. Các công việc này cần hoàn thành trong năm 2023 để đảm bảo tính hiệu quả và tiến độ của các dự án.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6875991912460506/