Tạ Nhị ·
33 tuần trước
 9871

Đường sắt đô thị - 'xương sống' của giao thông Hà Nội

Đường sắt đô thị (ĐSĐT) được xem như xương sống của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đối với bất kỳ thành phố phát triển nào trên thế giới; Hà Nội cũng không ngoại lệ. Đưa vào vận hành mạng ĐSĐT được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Hà Nội, giải quyết ùn tắc, tai nạn, mà lớn hơn, sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai.

Giao thông đô thị còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy.

Thự tế, việc quá tải về giao thông tại Hà Nội còn được thể hiện qua các con số như: Cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường: Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.

Hay một số tuyến đường như tuyến đường cầu hầm chui Trung Hòa, thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm khoảng 7h - 8h, để đi được từ cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến ngã tư Trần Duy Hưng giao cắt Hoàng Minh Giám và Ng uyễn Chánh, người tham gia giao thông phải mất từ 20-30 phút; thậm chí, có thể mất hơn 1 tiếng đồng hồ vào những ngày trời mưa gió.

Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Tương tự, tình trạng tắc đường diễn ra tại nhiều tuyến đường khác như: Lê Văn Lương, Tố Hữu, ngã tư Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, Vành đai 2.5, Vành đai 3. Theo thống kê của Hà Nội, hiện trên địa bàn có 35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của Quy hoạch số 519 là từ 20%-26%), tỉ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26% - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011-2020 là khoảng 2,48%/năm.

Mới đây, tại hội thảo "Giao thông đô thị TP. Hà Nội: Thực trạng và giải pháp", Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng, có quá trình phát triển hàng ngàn năm, tính từ hòa bình lập lại (1954). Đến nay, qua 4 lần điều chỉnh địa giới với biến động về dân số, 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (trong đó, đều có quy hoạch, định hướng về giao thông vận tải), luôn là những thách thức với phát triển, với quản lý nói chung và giao thông nói riêng.

Trong thời gian vừa qua, nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, TP. Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, tiếp tục xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại...

Tàu chạy thử Metro Nhổn - Ga Hà Nội. (ảnh: ITN)

Tuy nhiên, thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ;

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế…

Đường sắt đô thị phải là xương sống của giao thông công cộng Hà Nội

Để giải quyết vấn đề quá tải về giao thông tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho rằng, cần rà soát đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị.

Sở xác định muốn giải quyết bài toán phát triển giao thông đô thị cần căn cứ trên sự phát triển kinh tế - xã hội; Đặc biệt quan tâm phát triển đường sắt đô thị, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ về công nghệ.

Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Đỗ Xuân Trường cho rằng: Đô thị trung tâm Hà Nội có dạng lưới, đường cấp đô thị gồm các tuyến đường hướng tâm và vành đai.

“Hệ thống đường sắt đô thị phải là xương sống của giao thông công cộng Hà Nội với yêu cầu đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là cơ sở để tổ chức giao thông; Cần tổ chức đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm để tránh dồn dòng giao thông lưu lượng lớn về một phía và phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo hướng hành lang có lưu lượng giao thông lớn”, ông Đỗ Xuân Trường nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội, ông Trần Danh Lợi: Giao thông Hà Nội Cần có giải pháp đặc biệt. Hiện tại, đa số các giải pháp chỉ mang tính ứng phó, chưa lâu dài. Hà Nội cần hướng tới quy hoạch giao thông theo ô bàn cờ. Mỗi quận, huyện nên có một cốt để các nhà xây dựng căn cứ vào đó để làm ngưỡng thiết kế cho tất cả công trình, giải quyết vấn đề thoát nước cho đường phố; Hướng tới việc các đầu mối, trung tâm hành chính phải nằm ở vành đai; Xác định đô thị ở đâu để có sự ưu tiên, tập trung cho giao thông công cộng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, giao thông đô thị ở Hà Nội luôn “nóng” và giải pháp cần xác định tầm quan trọng của quy hoạch không gian, trong đó tổ chức thực hiện giao thông phải đi trước một bước; Tránh việc hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau, dẫn đến việc ùn tắc hiện nay. Việc cấp bách Hà Nội cần cụ thể hóa chủ trương phát triển hạ tầng đồng bộ.

Muốn quản lý giao thông tốt thì phải song hành với quản lý phát triển dân số đồng bộ, vào đầu mối, tránh mỗi ngành đưa ra một con số dự báo. Trước mắt, Hà Nội cũng nên thống kê cụ thể việc người dân tiếp cận phương tiện công cộng; Nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành, chú trọng vai trò trách nhiệm cộng đồng.

Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, thì mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội gồm 8 tuyến, tổng chiều dài 318 km. Trong 10 năm qua, hai tuyến đường sắt đang thi công gồm Tuyến số 2 (đoạn 2A, Cát Linh – Hà Đông) và Tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội).

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6830862830306748/