Ngọc Lý ·
3 năm trước
 1503

Đừng triệt hạ thêm những cánh rừng

Một hàng thông cổ thụ ở Lâm Đồng vừa bị chặt hạ để mở đường. Một cánh rừng ở Tây Nguyên vừa được giao cho doanh nghiệp làm sân golf… Những dòng thông tin đó, dù với bất cứ lý do gì, vẫn khiến chúng ta phải rùng mình, đau xót.

Lần giở những báo cáo khoa học, những đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước về rừng, tất cả đều chỉ ra tầm quan trọng không thể thiếu của rừng. Và đến nay, rừng vẫn là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn 7 tỉ dân trên hành tinh.

Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán… Hiện nay, sinh kế của 1,6 tỉ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng cũng cung cấp nơi ở, việc làm, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến những cộng đồng định cư trong khu vực rừng.

Người Vân Kiều ở làng Ho, trên Tây Trường Sơn (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) có Lễ hội Trộm rừng thường niên vào đầu năm Âm lịch. Trước khi đi trộm rừng, họ cúng thần rừng, xin Già làng đi trộm một cách trịnh trọng. Họ vào trộm của rừng mớ măng tươi, tổ ong mật, và một số đặc sản khác mà họ vẫn dùng trong bữa ăn mỗi ngày. Họ trộm rừng rất tế nhị, thấy bụi măng nhiều cội, họ chỉ xin thần rừng lấy hai cội, số còn lại để chúng phát triển thành tre. Với ong rừng, họ cũng lấy không quá nửa để ong không bỏ đi.

Đó là một trong những tập tục văn hóa ứng xử với rừng, nếu nghiên cứu kỹ, tư cách trộm rừng đó của người Vân Kiều lại là chất xúc tác để bảo vệ rừng của họ bền vững hơn, cường tráng hơn.

Còn hôm nay, chúng ta đang đối đãi với những cánh rừng ra sao!?

Nếu nhìn từ trên cao, không khó để bắt gặp những cánh rừng xơ xác, rỗng ruột. Một cánh rừng bị chặt hạ, cũng có nghĩa cả một hệ sinh thái biến mất theo.

Như việc lấy rừng làm thủy điện, lợi ích trước mắt, nhưng bất công với tự nhiên và không ai khác ngoài con cháu chúng ta gánh chịu hậu quả khắc nghiệt.

Con người đặt định ra những chế tài pháp luật khắp năm châu, nhưng chưa hiểu rõ tự nhiên một cách đúng đắn khi chính rừng đã nuôi dưỡng muôn thế hệ bằng sức lực sản xuất oxy của nó, nhưng con người lại trả ơn bằng cách bức tử nhiều khu rừng.

Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, một cây rừng cỡ vòng tay người ôm, sản xuất lượng oxy cần thiết cho 5 người hít thở cả cuộc đời. Nếu so sánh cơ học, để có những thủy điện đồ sộ, những sân golf rộng tít tắp, chúng ta phải đánh đổi môi trường không nhỏ. So sánh như thế có thể là khập khiễng, nhưng rừng hào phóng với con người nhiều hơn thủy điện.

Nhưng, tình trạng phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn ở mức báo động. Những người mà sinh kế của họ phụ thuộc vào rừng thì đang phải đấu tranh cho sự sinh tồn. Nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đa dạng sinh học đang bị suy giảm trầm trọng. Hơn nữa, các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách thì các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chúng ta.

Sẽ không phải là quá muộn để chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh.

Bởi lẽ, những thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới ngày một trầm trọng, trong đó “đóng góp” lớn của tình trạng phá rừng, là rất lớn.

Nguồn