Thành Phong ·
1 năm trước
 7977

Đứng trước nguy cơ thiếu điện, Thứ trưởng Công Thương đưa ra giải pháp gỡ khó

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nếu đảm bảo các tổ máy không có sự cố, vận hành tốt, nhiên liệu đủ, điều tiết các hồ hợp lý và tiết kiệm điện tốt thì chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn của cung ứng điện.

Nhu cầu điện tăng cao gây áp lực lớn lên cung ứng điện

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), dự báo, công suất đỉnh của khu vực miền Bắc trong cao điểm mùa nắng nóng có thể tăng từ 5-15% gây áp lực rất lớn đối với tình hình bảo đảm cung ứng điện.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, dù miền Bắc mới bước vào giai đoạn đầu của mùa Hè, nhưng thực tế sản lượng điện tại khu vực này đã tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố trên lưới có thể ảnh hưởng đến tình hình bảo đảm cung ứng điện.

Điển hình, tại tỉnh Thanh Hoá, dự báo công suất cực đại (Pmax) mùa Hè sẽ tăng trưởng từ 10-15%. Trong khi đó, việc bổ sung nguồn điện tại miền Bắc rất hạn chế. Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) đã chủ động bố trí phương thức vận hành nguồn lưới điện hợp lý trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi trong tình huống sự cố của điều kiện thời tiết cực đoan.

Tại Lào Cai, PC Lào Cai cũng đang đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện, đấu nối khép kín các mạch vòng trung áp 22 kV các khu vực có phụ tải cao. Thường xuyên kiểm tra lưới điện, thực hiện luân chuyển máy biến áp phù hợp công suất, cân pha san tải các đường dây 0,4 kV tránh quá tải cục bộ.

Tại Sơn La, Công ty Điện lực Sơn La đã chủ động xây dựng chi tiết phương án bảo đảm cung cấp điện giai đoạn cao điểm nắng nóng và cả năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, công nghiệp, sản xuất để tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện, vận động, khuyến khích thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, phụ tải những ngày tới sẽ tăng cao hơn kế hoạch đã duyệt, khả năng lên 830 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, miền Nam bước vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện sẽ sớm ổn định trở lại. Do vậy, nỗi lo về cung ứng điện cơ bản tập trung tại ở miền Bắc...

Giải pháp nào ứng phó nguy cơ thiếu điện?

Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nếu đảm bảo các tổ máy không có sự cố, vận hành tốt, nhiên liệu đủ, điều tiết các hồ hợp lý và tiết kiệm điện tốt thì chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn của cung ứng điện.

Cùng với đó, phương án quan trọng không kém là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân phải triệt để tiết kiệm điện. Đây là giải pháp cuối cùng nhưng là giải pháp hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN khẩn trương thỏa thuận giá, giá tạm đối với các dự án chuyển tiếp, dự án năng lượng tái tạo, khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để đấu nối lên hệ thống lưới điện.

Lý giải về nguyên nhân thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, năm nay lượng nước ở tất cả các hồ thủy điện đều giảm hơn 50% so với cùng thời điểm mọi năm.

Cá biệt, cả nước hiện có 13/47 hồ thủy điện thuộc EVN và của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4500 MW). Trong đó có các hồ thủy điện lớn của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ.

Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022. Trong những tháng cao điểm nắng nóng 5, 6 và 7, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm, nguy cơ thiếu điện diễn ra hiện hữu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện miền Bắc đang có nền nhiệt độ cao, nhu cầu điện cho tiêu dùng của người dân rất lớn, nhất là nguồn điện dùng cho điều hòa.

“Phụ tải 4 tháng đầu năm tương đối nhẹ, nhưng phụ tải tháng 5 chiếm 818 triệu kW điện/ngày. Riêng trong tuần vừa rồi sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất, lên đến 44.666MW, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong ngày 19/5 lập kỷ lục lên 923,9 triệu kWh. Trong bối cảnh như vậy, tình hình cung ứng điện cũng phức tạp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho thêm, cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, EVN còn gặp khó khăn vì một số tổ máy phát điện công suất lớn thời gian sửa chữa kéo dài nhưng chưa hoàn thành.

“Hiện 4 tổ máy với tổng công suất hơn 2000 kW/h đang sửa chữa chưa hoàn thành gồm: 1 tổ máy của nhà máy Nghi Sơn 2; 1 tổ máy Vũng Áng 1; 1 tổ máy Phả Lại; 1 tổ máy ở Cẩm Phả. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu điện ngày càng căng thẳng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.