Tạ Nhị ·
48 tuần trước
 6815

Ai bù lỗ cho ngành điện?

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) đề xuất dùng 130.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa sử dụng năm 2022 giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt lỗ. Tất nhiên, ý kiến này rất khó được chấp nhận.

EVN lỗ do đâu?

Thông tin từ EVN cho biết, Tập đoàn đã nỗ lực cố gắng để tiết giảm chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

EVN cho rằng giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng. Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.920.3732 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

Ảnh minh họa.

Đại diện Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN. Ngoài ra, giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao làm tăng tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng; tăng các chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý vận hành lưới điện. Cùng với đó, các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh như hiện nay cũng ảnh hưởng tới hoạt động ngành điện.

Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVNNPC gặp khó sẽ ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của EVNNPC. Nói như vậy để thấy, EVNNPC sẽ khó bảo đảm tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác... Điều này cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm của EVNNPC, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng của EVNNPC năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới, nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng là rất lớn. Đặc biệt, việc không thu xếp được vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương và các khách hàng sử dụng điện của 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Điện sinh hoạt 2 bậc giá đầu chỉ chiếm khoảng 12%

Theo biểu giá điện cho sản xuất và sinh hoạt mới (1), chỉ có các hộ sinh hoạt sử dụng đến 100 kWh một tháng mới có giá điện thấp hơn giá mua điện bình quân quý 1/2023 của EVN. Số hộ sử dụng đến 100 kWh một tháng có khoảng 8 triệu hộ trên tổng số 27,9 triệu hộ gia đình. Trong khi đó, giá điện giờ bình thường của sản xuất đều thấp hơn giá mua vào của EVN.

Năm 2022 điện sử dụng sinh hoạt xấp xỉ 68 tỷ kWh trên tổng số 242,7 tỷ kWh (28% tổng điện tiêu thụ). Trong đó, 8 triệu hộ có giá điện bậc 1 và 2 chỉ tiêu thụ 5,4 tỷ kWh (chiếm 2,2% tổng tiêu thụ), bình quân 56 số điện một hộ một tháng. Ngoài ra, gần 20 triệu hộ cũng được sử dụng 100 số điện giá thấp một tháng với sản lượng  khoảng 24 tỷ kWh (chiếm 9,9% tổng tiêu thụ).

Như vậy, điện sinh hoạt 2 bậc giá đầu chỉ chiếm khoảng 12% tổng lượng điện tiêu thụ. Phần còn lại của điện sinh hoạt chiếm 16%. Nếu bù trừ thì giá điện bình quân của điện sinh hoạt không phải là giá ngành điện phải bù lỗ. Ngoài điện tiêu dùng có giá bắt đầu cao từ 100 kWh trở lên, thì điện dùng cho các hoạt động kinh doanh cũng rất cao (giờ bình thường đối với điện áp dưới 6 kV giá 2.746 đồng/kWh).

Hiện các doanh nghiệp thuộc EVN chỉ sản xuất gần một nửa sản lượng điện. Phần hơn một nửa là mua các doanh nghiệp ngoài EVN như TKV, PVN, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cùng với điện nhập khẩu. Giá mua thì theo các cơ chế chính sách, thỏa thuận trước đó (ví dụ, năm 2022 mua điện mặt trời của các hệ thống điện mái nhà lắp đặt từ 6/2017 đến 6/2019 là 2.164 đồng/kWh, lắp đặt từ 7/2019 đến 12/2020 thì giá là 1.938 đồng/kWh). Giá bán của EVN thì do nhà nước quy định.

EVN bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hoá. Những giá trị tạo ra ở trong nước chính là đóng góp cho GDP. Chúng ta một mặt lo rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng lại thu hút đầu tư bằng giá nhân công rẻ, giá điện rẻ. Muốn thoát ra khỏi bẫy ấy cạnh tranh phải đảm bảo xu hướng giá nhân công tăng dần lên, giá điện tăng dần lên và tỉ lệ thu ngân sách trên GDP cũng phải tăng dần lên.

Nhà nước điều tiết giá điện

Liên quan tới giá điện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay, Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam bằng "mệnh lệnh hành chính" chứ "Nhà nước không chi một đồng nào".

Theo ông, việc Nhà nước điều tiết giá mà không hỗ trợ doanh nghiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo cách các nước đang làm hiện nay đã đẩy EVN vào cảnh thua lỗ.

Tổng lỗ sản xuất điện 3 năm 2021 - 2023 dự kiến khoảng hơn 100.000 tỉ đồng, bằng 49% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, tập đoàn đang nợ khách hàng của mình 19.700 tỉ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả.

Theo ông Nhân, đến năm 2024, nếu giá điện không tăng thì dự báo tổng lỗ tích lũy qua 4 năm sẽ khoảng từ 112.000 - 144.000 tỉ đồng, tức là mất 54 - 70% vốn điều lệ của EVN. Còn nếu giá điện tăng 3% năm 2024 thì dự kiến lỗ từ 94.000 - 126.000 tỉ đồng, tức là mất 46 - 61% vốn chủ sở hữu.

Ông Nhân cho hay, năm 2022, tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỉ đồng. Nếu sử dụng phần ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt nhưng không sử dụng để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước gây ra thì EVN sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Từ đó, ông Nhân đề nghị luật Giá sửa đổi bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá.

Việc này sẽ giúp EVN - tập đoàn Nhà nước lớn nhất Việt Nam năm 2024 sẽ không tiến tới trạng thái sắp phá sản mà phải phát triển bền vững, theo ông Nhân.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá điện hiện đã đưa vào diện Nhà nước định giá rồi, nên không đưa vào bình ổn nữa. Theo ông Phớc, việc định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân.

Ông Phớc nói có nhiều lý do. Thứ nhất, hiện nay ngân sách đang còn hạn hẹp. Doanh nghiệp sản xuất điện, hiện nay chủ yếu là EVN, là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50%. Thứ hai, nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa luật Ngân sách để phù hợp.

Giá mua điện bình quân theo các loại hình phát điện quý 1/2023 của EVN là 1.844,9 đồng/kWh. Trong đó, thuỷ điện 1.128 đồng/kWh, tuabin khí 1.428 đồng/kWh, điện mặt trời 2.046 đồng/kWh, điện gió 2.086 đồng/kWh, điện than 2.100 đồng/kWh. Điện mua phải cộng chi phí truyền tải, phân phối mới đến các hộ tiêu thụ.

Hiện biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất ở giờ bình thường cấp điện áp từ 110 kV trở lên là 1.584 đồng/kWh, từ 22-110 kV là 1.604 đồng/kWh, từ 6-22 kV là 1.661 đồng/kWh, dưới 6 kV là 1.738 đồng/kWh. Trong khi đó, điện sinh hoạt thấp nhất là 1.728 đồng/kWh, 50 kWh tiếp theo là 1.786 đồng/kWh, ở bậc sử dụng 101-200 kWh một tháng là 2.074 đồng/kWh. (Giá các loại chưa tính 10% VAT).

Tạ Nhị