Về việc nhân sự giảm mạnh, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) cho hay, đây là việc nằm trong nỗ lực tái cấu trúc toàn diện “Giảm Lượng - Tăng Chất”, đồng thời cũng nhấn mạnh cái gì kém hiệu quả và giảm được thì sẽ giảm, diễn ra ở quy mô toàn Tập đoàn, nhiều cấp độ nhân viên và mọi tỉnh thành.
Chủ tịch MWG cho rằng đã thực thi rất rõ ràng chính sách cho nhân viên về nỗ lực hướng đến kết quả, sụt giảm nhân viên cơ bản là sụt giảm tự nhiên, có nghĩa là một số nhân viên cho rằng thu nhập không tốt nữa nên xin rút, còn tỷ lệ bị nghỉ việc không phải tự nguyện rất thấp.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trên thực tế, sự chú ý của giới đầu tư vào quá trình cắt giảm nhân sự tại MWG đã xuất hiện từ lâu. Theo đó, từ quý 4/2022 khi số lượng giảm đến 6,223 nhân viên, mở ra quá trình liên tục cắt giảm trong các quý sau đó. Mới đây, tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2024 thì MWG còn lại 60,561 nhân viên, tương ứng giảm 4,853 nhân viên so với cuối năm 2023 và giảm tới 7,487 nhân viên chỉ sau một năm.
Bên cạnh cắt giảm người, số lượng cửa hàng cũng trong chiến lược tái cấu trúc. Cuối quý 1/2024, MWG vận hành tổng cộng 5,596 cửa hàng, gồm 1,071 cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ), 2,184 cửa hàng Điện máy Xanh (ĐMX), 1,696 cửa hàng Bách hóa Xanh (BHX), 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng Ava Kids và 53 cửa hàng EraBlue.
Tính từ đầu năm, các chuỗi TGDĐ, ĐMX, BHX và An Khang đều ghi nhận sụt giảm số lượng cửa hàng, Ava Kids giữ nguyên, trong khi chuỗi EraBlue tăng mạnh. So với cùng thời điểm một năm trước, lượng cửa hàng giảm nhiều, tập trung tại 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Tài từng nói rằng quá trình tái cấu trúc không phải làm một lần rồi biến mất, mà đây sẽ là văn hóa mới diễn ra định kỳ 6 tháng hay 1 năm/lần. Doanh nghiệp sẽ lặp lại quá trình này để bảo đảm không có dư thừa, chỉ giữ lại những thứ hiệu quả để tổ chức tinh gọn, mạnh mẽ hơn.
Về lý do chi phí lương quản lý quý 1 tăng mạnh trong khi chi phí nhân viên bán hàng lại giảm mạnh, bà Lê Thị Thu Trang - Giám đốc Đầu tư và quan hệ cổ đông MWG cho biết, trong quý 1 chi phí lương nhân viên giảm đến từ số lượng nhân viên giảm, còn chi phí lương quản lý tăng mạnh là do có sự thay đổi chính sách sau khi tình hình kinh doanh MWG có dấu hiệu khởi sắc.
Năm ngoái, với tình hình kinh doanh nhiều thách thức, MWG có chính sách để quản lý cấp trung, lãnh đạo cấp cao có thể chia sẻ khó khăn với Công ty bằng cách không nhận hoàn toàn hoặc giảm một phần lương thưởng. MWG đã dừng chính sách này sau khi tình hình kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc.
Bên cạnh đó, ngoài biến động về số lượng, cách làm việc của nhân viên cũng có sự thay đổi sau khi MWG thúc đẩy hoạt động cho vay mua hàng. Cụ thể, các nhân viên tại chuỗi TGDĐ và ĐMX được huấn luyện và dần thay thế vai trò thực hiện các hồ sơ cho vay trả góp của các nhân viên thuộc các công ty tài chính.
Theo chia sẻ của thành viên HĐQT MWG Đoàn Văn Hiểu Em tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, thực chất hoạt động huấn luyện này đã diễn ra từ 4 năm trước nhưng gần đây được thúc đẩy mạnh mẽ, gây nhiều sự chú ý hơn giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong khi TGDĐ và ĐMX bán các sản phẩm ít thiết yếu với giá trị cao.
Năm 2024, MWG đặt mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5% (lên 125.000 tỷ đồng), còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 25% chỉ tiêu doanh thu và 37,6% kế hoạch lợi nhuận.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7794146277311727