Bích Ngọc ·
37 tuần trước
 5552

Có phải vẫn còn quá sớm để kỳ vọng sự trở lại của cổ phiếu MWG?

Tuy CTCP Thế giới Di động có tình hình kinh doanh đi xuống thế nhưng giá cổ phiếu MWG doanh nghiệp này lại ghi nhận đà hồi phục tích cực. Dù vậy, chuyên gia lại cho rằng, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng cổ phiếu này lấy lại vị thế từng có.

Mới đây, CTCP Thế giới Di động (TGDĐ) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với doanh thu đạt hơn 9.800 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 11%.

Theo đó, doanh thu của chuỗi TGDĐ và Điện Máy Xanh đạt 6.700 tỷ đồng (tương đương với doanh thu đạt được trong tháng 6). Chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu vượt 2.800 tỷ đồng (tăng trưởng 10% so với tháng trước).

Lũy kế doanh thu tính đến hết tháng 7 của TGDĐ đạt 66.400 tỷ đồng, so với chỉ tiêu năm 2023 thì doanh nghiệp chỉ hoàn thành được 49%.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của TGDĐ, doanh thu đạt hơn 29.464 tỷ đồng (giảm 14,2 % so với cùng kỳ năm ngoái). Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế chỉ “vỏn vẹn” 17,4 tỷ đồng, giảm tận 98,5% so với số lãi hơn 1.131 tỷ đồng đạt được quý II/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tính đến hết quý II/2023, TGDĐ có tổng tài sản đạt 59.369 tỷ đồng. Trong đó, so với đầu năm tiền và các khoản tương đương tiền giảm 32% (còn lại 3.442 tỷ đồng). Tuy vậy, lượng tiền gửi ngân hàng của công ty lại tăng gấp đôi (từ 10.069 tỷ lên 20.979 tỷ đồng).

TGDĐ có thể coi là đang nắm giữ tổng lượng tiền mặt khoảng 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có doanh thu tài chính quý II ghi nhận lượng lớn lãi tiền gửi, có thể thấy doanh nghiệp đang "sống bằng lãi từ tiền gửi ngân hàng" chứ không phải hoạt động kinh doanh chính.

Có thể nói, kết quả kinh doanh quý II của TGDĐ gần như là lỗ nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính tăng đột biến từ lãi tiền gửi. Tình trạng này cũng đã kéo dài từ quý I năm nay khi mà lãi sau thuế của TGDĐ chỉ đạt 21 tỷ đồng, (cũng giảm 98% so với cùng kỳ).

Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận vỏn vẹn 39 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái).

Chứng khoán SSI cho hay, trong vòng 6 năm trở lại đây, từ năm 2017 - 2022, TGDĐ có biên lợi nhuận ròng dao động từ 3,07% - 3,99%. Vậy biên lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 0,07% là mức thấp kỷ lục nhiều năm.

Ngoài ra, tình hình kinh doanh ảm đạm của TGDĐ cũng đã được nhiều công ty chứng khoán dự báo trước. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận sau thuế năm 2023 của TGDĐ sẽ giảm xuống chỉ còn 1.231 tỷ đồng (tương đương với tỷ lệ giảm tới 80% so với thực hiện năm 2022).

Như vậy, với những gì đang thể hiện, doanh nghiệp này đang củng cố thêm cho những dự báo của các công ty chứng khoán là chính xác. Cùng với đó, mục tiêu lãi ròng năm nay của TGDĐ sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Khối ngoại không còn “mặn mà”?

Dù kinh doanh đang gặp khó, cổ phiếu MWG lại ghi nhận diễn biến khá tích cực trên sàn chứng khoán. Từ cuối tháng 5/2023 đến cuối tháng 7/2023, cổ phiếu MWG đã xác lập nhịp tăng ấn tượng với mức tăng lên tới gần 45% kèm thanh khoản gia tăng mạnh.

Theo đó, thị giá cổ phiếu MWG từ ngày 24/5 - 28/7 tăng đến 44,99% (cùng thời điểm, chỉ số VN-Index chỉ tăng 13,7%), từ 37.590 đồng/cp lên 54.500 đồng/cp và có dấu hiệu đi ngang trong gần 3 tuần trở lại đây quanh vùng giá từ 51.700 – 54.600 đồng/cp. Chốt phiên hôm qua ngày 17/8, cổ phiếu MWG đang dừng ở mức 53.900 đồng/cp, vẫn còn cách hơn 30% vùng đỉnh giá 80.000 đồng/cp hồi giữa năm 2022 (tính theo giá điều chỉnh).

Đáng chú ý, các cổ đông lớn nước ngoài tại TGDĐ trong những tháng gần đây đã liên tục bán ra một lượng lớn cổ phiếu MWG.

Được biết, Arisaig Asian Fund Limited đã từng nhiều lần cho hay về việc đầu tư dài hạn vào MWG và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Thế nhưng, sau khoảng 3 năm nắm giữ, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu và giảm sở hữu tại TGDĐ với lý do đưa ra là tái cơ cấu đầu tư.

Một thành viên HĐQT TGDĐ là ông Đặng Minh Lượm cũng đăng ký bán ra 0,3 triệu cổ phiếu MWG (giảm sở hữu từ 0,24% xuống còn 0,22% vốn điều lệ từ ngày 13/7 - 11/8).

Trước đó, cổ phiếu MWG từng được ví như một trong những thỏi nam châm hút nhà đầu tư nước ngoài. Room ngoại của MWG thường xuyên được phủ kín. Để sở hữu MWG, nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh cao nhất thị trường, lên đến hàng chục phần trăm so với thị giá.

Tuy vậy, thách thức với MWG đến nay ngày càng tăng cao, tình hình kinh doanh chững lại. Có lẽ đây là một trong những lý do chủ yếu khiến giới đầu tư không còn “mặn mà” với MWG, đặc biệt là khối ngoại. .

Câu chuyện tăng trưởng trở lại của cổ phiếu ngành bán lẻ nói chung, cổ phiếu MWG nói riêng chủ yếu là kỳ vọng từ năm 2024 – 2025. Vì thế, ở thời điểm hiện tại còn quá sớm để nhà đầu tư kỳ vọng. Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu MWG vẫn đang neo ở mức cao,  trong thời điểm hiện nay là không an toàn để nhà đầu tư có thể “xuống tiền”.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6741003549292677/?