Thanh Loan ·
2 năm trước
 3247

Gia Lai: Nắng nóng khốc liệt gây thiệt hại nặng nề

Mặc dù thời tiết ở Gia Lai đang bước vào mùa mưa nhưng nhiều huyện vẫn đang trải qua nắng nóng khốc liệt. Do đó, nhiều hồ đập, sông suối ở đây đã và đang dần khô hạn, cạn kiệt nguồn nước, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng.

Theo chia sẻ của người dân, nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của các hộ dân tại xã Phú Cần (huyện Krông Pa, Gia Lai). “Khi trồng được một thời gian ngắn thì nắng nóng kéo dài khiến cây mì héo rũ rồi chết dần. Những cây mì trụ lại được thì không có củ, xem như mùa vụ năm nay thất bại”, một người dân cho biết.

Tương tự, tại xã Kông Lơng Khơng nhiều diện tích cây trồng của nông dân cũng bị thiệt hại nặng nề. Tại diện tích vườn của ông Triệu Văn Trung, 6 sào bắp của gia đình chỉ thu được 100 kg hạt, trong khi năm ngoái, với diện tích này sản lượng thu hoạch được đạt 1,8 tấn.

Ông Trung chia sẻ thêm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục trồng loại cây này nhưng phải đầu tư khoan thêm giếng hoặc đào ao thêm sâu hơn để tìm nguồn nước chống hạn.

gia lai

Người dân xã Lơ Ku trồng dặm lại diện tích mì đã bị chết. (Ảnh: Quang Tấn)

Tại huyện Kbang những ngày này, dọc 2 bên tuyến đường vào xã Lơ Ku là những rẫy mì, bắp, đậu xanh bị héo úa do nắng hạn. Ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku) cho hay: “Suối Tà Kơn phía sau nhà chưa bao giờ khô cạn nhưng năm nay kiệt không còn nước để bơm tưới. Hơn 2 ha mía và 1 ha đậu xanh của gia đình được xuống giống cuối tháng 3, song lại gặp tình trạng nắng hạn kéo dài. Dù đã cố gắng bơm nước tưới cho ruộng mía nhưng nguồn nước không đủ, thiệt hại lên đến 56 triệu đồng tiền đầu tư. Ngoài ra, 1 ha đậu xanh cũng mất trắng hoàn toàn vì nắng hạn.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), nắng nóng và hạn hán kéo dài đã làm thiệt hại sơ bộ hơn 120 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong vụ mùa 2021, toàn huyện Krông Pa gieo trồng được 36.909 ha cây trồng các loại, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, nắng nóng kéo dài đã làm hơn 16.257 ha cây trồng ở các xã, thị trấn bị thiệt hại. Trong đó, hơn 12.134 ha thiệt hại trên 70%, 4.127,2 ha thiệt hại 30-70%, chủ yếu là bắp, mì trồng mới, lúa nước, rau màu các loại và cây công nghiệp.

Còn tại huyện Kbang, theo ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, từ giữa tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện 3 đợt mưa cách xa nhau. Trận mưa vừa qua chỉ cơ bản cứu được nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhẹ.

Hạn hán đã làm hơn 2.100 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, lúa khoảng 87 ha (5,7 ha chết hoàn toàn), ngô hơn 400 ha (hơn một nửa bị hư hại hoàn toàn), còn lại đậu, mì, cà phê, mía, rau củ. Ước tổng thiệt hại gần 19 tỉ đồng.

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng - chống khô hạn cho cây trồng; xem xét hỗ trợ khôi phục sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống người dân.

Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ xuống giống các loại cây trồng khi đất đủ độ ẩm, tuyệt đối không chờ mưa. Bên cạnh đó, đối với các xã không có công trình thủy lợi, tận dụng triệt để các nguồn nước (khe suối, ao, hồ, giếng…) vận động nhân dân, hướng dẫn thực hiện lấy nước vào đồng ruộng tích trữ, đắp bờ giữ nước… Bố trí nhân lực, vật lực, phương tiện và kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách xã để thực hiện các biện pháp chống hạn và giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên) nhận định: Từ tháng 4 đến giữa tháng 6-2021, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thiếu hụt khoảng 50% so với trung bình nhiều năm.

Bên cạnh đó, trong tháng 7 và 8/2021, dù xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới nhưng lượng mưa trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu hụt so với nhiều năm. Vì vậy, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, nhất là bản tin dự báo hạn trong vòng 10 ngày để chủ động sản xuất đạt kết quả cao nhất.

Nguồn