Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Thành Trung cho hay, từ đầu năm đến nay, có nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm. Theo ông Trung, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá, hiện nay các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo đó là nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao. Trong quý 1/2024, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023 và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 4./ chỉ tăng 0,95% so với năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thận trọng trong chi tiêu. Mặc dù lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh, tuy nhiên thu từ du lịch tăng trưởng không tương ứng.
Được biết, tại một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM, bắt đầu từ nửa cuối tháng 3 sức mua thị trường đã chậm lại so với trước. Mặc dù nhóm sản phẩm rau củ quả, cá thịt, hàng thiết yếu vẫn có tăng trưởng dương thế nhưng các mặt hàng không thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia… thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỷ đồng
Mới đây, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 1/2024 tổng tiền gửi của dân cư tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỷ đồng (giảm 0,53%). Còn tiền gửi của các tổ chức đạt 6,676 triệu tỷ đồng (giảm tới 2,41%).
Từ tháng 9/2022, khi lãi suất tiền gửi tăng mạnh, thêm vào đó nền kinh tế có nhiều khó khăn, tiền gửi của cả người dân liên tiếp gửi vào ngân hàng. Tổng tiền gửi tháng sau luôn cao hơn tháng trước, dù có thời điểm lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục.
Về lãi suất, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Qua báo cáo của các ngân hàng thương mại, tính đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, so với cuối năm 2023 giảm 0,5%/năm.
Người quyết định gửi tiền tiết kiệm ở nhà băng là những người đặt mục tiêu đầu tư an toàn lên hàng đầu. Họ không mạo hiểm với tiền tích lũy do đó không chuẩn bị tâm lý chịu áp lực khi giá của tài sản đầu tư biến động. Chính vì thế, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn và có hiệu quả nhất đối với những người muốn sự an toàn, bất kể lãi suất lao dốc khiến người gửi tiền sốt ruột. Được biết, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước Agribank, VietinBank, BIDV đang niêm yết trên website là 4,7%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Riêng Vietcombank, tiền gửi 12 tháng 4,6%/năm. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng cao hơn 0,1-0,2%/năm so với ngân hàng có vốn nhà nước, tại VPBank, kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7711474378912251